Theo báo cáo của kênh truyền hình TV Zvezda trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm 1-6, ngoài việc huấn luyện cá voi trắng trở thành "lính canh và sát thủ", quân đội Nga còn trưng dụng loài động vật này để chúng hỗ trợ các thợ lặn khi họ hoạt động trong vùng nước sâu.
Một trở ngại đó là độ tin cậy của cá voi trắng trong các hoạt động quân sự không cao bằng hải cẩu. TV Zvezda cho biết cá voi trắng có thể làm nhiệm vụ tại các căn cứ hải quân nhưng chúng dễ bị bệnh khi bơi lội trong vùng nước lạnh giá.
Báo The Siberian Times cũng cho rằng hải cẩu được xem là hiệu quả hơn cá voi trắng nếu quân đội Nga muốn sử dụng động vật biển để giúp xây dựng sức mạnh hải quân tại Bắc Cực. "Ngay cả sau khi kết thúc khóa huấn luyện 1 năm, hải cẩu vẫn nhớ những lệnh truyền miệng" - The Siberian Times dẫn kết quả nghiên cứu hải cẩu và cá heo do Viện Hàn lâm Khoa học Nga tài trợ.
Nga muốn dùng cá voi trắng để bảo vệ căn cứ hải quân. Ảnh: KREMLIN.RU
Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Sinh học Biển Murmansk cho thấy ưu điểm của hải cẩu là phát hiện mìn cũng như nâng các vật thể ở vùng nước sâu. Ngoài ra, hải cẩu có thể "giao tiếp" với thợ lặn, vận chuyển đồ đạc hoặc công cụ cho họ. Nó còn phân biệt được thợ lặn mình đang "hợp tác" với người lạ. Khi nhận được tín hiệu, hải cẩu sẵn sàng chặn hoặc giết kẻ phá hoại ngay dưới nước.
Nhà khoa học Gennady Matishov mô tả hải cẩu là loài động vật "có tính chuyên nghiệp cao". Tuy nhiên, không phải chúng không có nhược điểm. Vào mùa sinh sản, hải cẩu đực có thể bỏ nhiệm vụ để đi theo "tiếng gọi của con tim".
Không chỉ Nga, Mỹ cũng là nước hay sử dụng động vật biển để tìm kiếm những người mất tích, dò mìn và thu hồi đồ vật từ đáy biển.
Nỗ lực sử dụng cá voi trắng của Moscow diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin cố gắng đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Nga tại Bắc Cực. Ông chủ Điện Kremlin đã ra lệnh mở lại các căn cứ quân sự cũ của Liên Xô ở khu vực này để "khai thác các nguồn năng lượng khổng lồ".
Phạm Nghĩa (Theo Daily Mail)
Đăng nhận xét