Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông có nguy cơ tiếp tục leo thang sau khi Qatar hôm 22-6 nhận được một loạt yêu cầu cứng rắn từ các nước vùng Vịnh để đổi lấy sự chấm dứt phong tỏa.
Khó đáp ứng
Reuters cho biết chính quyền Qatar chỉ có 10 ngày để đáp ứng trước khi những đòi hỏi trở nên vô hiệu. Nếu Qatar đồng ý, việc thực thi sẽ được kiểm tra một lần mỗi tháng trong năm đầu tiên danh sách có hiệu lực, sau đó là một lần/quý trong năm thứ hai và một lần/năm trong 10 năm sau đó.
Trong danh sách những yêu cầu, đáng chú ý là Qatar phải đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cắt giảm quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt hợp tác quân sự với nước này trên lãnh thổ mình. Ngoài ra, Doha còn bị yêu cầu thông báo cắt đứt quan hệ với các nhóm, tổ chức như Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo, Al-Qaeda, Hezbollah và xem họ là khủng bố cũng như "chấm dứt bất kỳ hoạt động tài trợ phần tử, thực thể, tổ chức cực đoan và khủng bố". Các nhà ngoại giao dự báo nhiều khả năng Qatar sẽ bác bỏ những yêu cầu nói trên. Theo AP, quốc gia giàu dầu mỏ này từng tuyên bố sẽ không bao giờ đáp ứng một số điều kiện được đưa ra như đóng cửa Al-Jazeera. Ngoài ra, chính phủ Qatar nhấn mạnh sẽ không thương thảo chừng nào lệnh phong tỏa được các nước láng giềng dỡ bỏ.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ ở Doha - Qatar hôm 23-6 Ảnh: Reuters
Theo AP, rất khó để Qatar cắt quan hệ với Iran bởi 2 nước này đang chia sẻ một mỏ khí thiên nhiên khổng lồ mang lại nguồn thu không ít cho Doha. Ngoài ra, yêu cầu Qatar đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ không dễ thực hiện, nhất là khi Ankara đang hậu thuẫn mạnh mẽ Doha trong cuộc khủng hoảng kéo dài 3 tuần qua.
Hôm 23-6, Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi yêu cầu nói trên là hành động can thiệp vào quan hệ giữa nước này và Qatar. Trước đó một ngày, chuyến tàu chở hàng cứu trợ đầu tiên của Ankara đã đến Doha. Một nhóm gồm 23 binh sĩ và 5 xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được triển khai đến Qatar như là một phần của thỏa thuận huấn luyện và hợp tác quân sự. Khoảng 88 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại Qatar trước đó và Bộ trưởng Quốc phòng Fikri Isik nói thêm rằng sự hiện diện quân sự này có thể tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới. Cụ thể, theo tờ Hurriyet, số lượng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar có thể lên đến 1.000, bên cạnh lực lượng không quân.
Sẽ điều chỉnh chính sách?
Sức ép đang tăng lên với Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập trong việc sớm hoàn tất những gì họ muốn Qatar thực hiện để chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở vùng Vịnh trong nhiều năm trở lại đây. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 21-6 bày tỏ hy vọng các yêu cầu phải "hợp lý và có thể thực hiện được", qua đó cho thấy Washington không vui khi thấy cuộc khủng hoảng này kéo dài, làm phức tạp thêm những tính toán của họ ở khu vực. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng danh sách yêu cầu rõ ràng là không đáp ứng được sự kỳ vọng của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng nổ ra hôm 5-6 khi nhóm nước do Ả Rập Saudi đứng đầu thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và đóng cửa không phận với Qatar sau khi cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố và Iran. Qatar đã bác bỏ cáo buộc này cũng như tố Ả Rập Saudi muốn khống chế các nước nhỏ ở khu vực. Lời lẽ này không phải không có cơ sở bởi một trong những yêu cầu được đưa ra là Qatar phải đứng về phía các nước vùng Vịnh và Ả Rập khác về mặt quân sự, chính trị, xã hội và kinh tế.
Một số nước láng giềng cũng có lý do để cứng rắn với Qatar. Họ lo ngại việc Doha có thái độ thân thiện với Iran và một số nhóm Hồi giáo có thể đe dọa giới cầm quyền ở đó. Trong khi đó, Qatar dù khẳng định không tài trợ hoặc ủng hộ chủ nghĩa cực đoan nhưng thừa nhận cho phép thành viên một số nhóm, như Hamas, ở lại nước mình. Lý do được đưa ra là duy trì đối thoại với những nhóm này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên toàn cầu. Kênh truyền hình Al-Jazeera, được sự hậu thuẫn của chính phủ Qatar, cũng là cái gai khác trong mắt các nước nói trên vì có những quan điểm khác biệt. Phe chỉ trích nói kênh này thúc đẩy những mục tiêu của Qatar bằng cách lên tiếng ủng hộ các phong trào như Anh em Hồi giáo. Ông Sami Nader, Viện trưởng Viện Levant về các vấn đề chiến lược (Lebanon), nhận định Qatar cho dù không chấp nhận những yêu cầu trên nhưng sẽ phải cân nhắc chúng và có bước đi hướng tới điều chỉnh chính sách đối ngoại và đường lối biên tập của Al-Jazeera.
Hoàng Phương
Đăng nhận xét