Phiên họp thứ nhất thương lượng phương án tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2017 của Hội đồng tiền lương Quốc gia diễn ra tại Đồ Sơn (Hải Phòng) vào năm 2016
Sáng 27-6, tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp bàn, thương lượng phương án tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2018 (phiên họp thứ nhất). Do đây là cuộc họp kín nên báo chí không được tiếp cận.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, cuộc họp bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 12 giờ 30 phút.
Một uỷ viên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết trong sáng 27-6, cuộc họp phiên thứ nhất chủ yếu các bên đưa ra các quan điểm, nguyên tắc, phương án đề xuất tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, cùng với đó là các vấn đề xoay quanh việc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, mức sống của người dân, người lao động (NLĐ), đưa ra dự báo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ…
Tại cuộc họp này, Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm tới. Phương án thứ nhất tăng từ 130.000 đồng lên 180.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân 5%; Phương án thứ hai tăng từ 160.000 đồng lên 220.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân tăng 6%; Phương án thứ ba tăng từ 180.000 đồng lên 250.000 đồng, với mức tăng bình quân 6,8%.
Thay mặt cho Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam trình bày tại phiên họp, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối từ 370.000 đồng lên 450.000 đồng với mức tăng bình quân 13,3%.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức sống của người lao động (NLĐ) rất khó khăn do liên quan đến mức lương tối thiểu. Theo điều 90, Điều 91 Bộ Luật Lao động thì mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Trên thực tế, vào thời điểm hiện nay, điều này chưa đạt được, do đó phía Tổng LĐLĐ cũng mong muốn cuộc sống của người lao động được cải thiện, từ đó giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp (DN).
Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định DN với NLĐ phải là một. DN có điều kiện phát triển thì NLĐ mới có điều kiện thu nhập; ngược lại chủ sử dụng lao động cũng phải NLĐ như là một phần không thể tách rời của mình, phải quan tâm đến NLĐ thì họ mới gắn bó với DN và hăng hái sản xuất, nâng cao tay nghề, năng xuất lao động.
Trong khi đó, đại diện giới sử dụng lao động đề xuất xem xét chỉ tăng bằng chỉ số trượt giá CPI, khoảng dưới 5%.
"Nếu mức lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì sau chỉ xem xét điều chỉnh do các điều kiện khác như điều kiện kinh tế-xã hội, CPI (chỉ số trượt giá)…mà không phải điều chỉnh lớn về mức sống tối thiểu hàng năm nữa"- thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia bày tỏ.
Kết thúc phiên họp lần thứ nhất, Hội đồng tiền lương quốc gia yêu cầu các bên xem xét để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa NLĐ và DN.
Trọng Đức
Đăng nhận xét