Ngôi nhà của Elijah Karama ở Nigeria trở thành nơi "cứu đói" cho những người đi sơ tán. Ở sân sau, một nhóm phụ nữ đang đun nước nấu cơm. Những đứa trẻ chạy nhanh qua đám đất bụi bặm rồi chạy thẳng vào buồng ngủ, nơi chúng quấn quýt quanh đôi chân dài và gầy guộc của ông.
"Vì hoàn cảnh (xô đẩy), chúng trở thành những đứa trẻ khiến tôi phải chăm sóc", ông Karama, 57 tuổi, nói bằng giọng mệt mỏi hơn là tự hào.
Hoàn cảnh mà ông nói ở đây là sự tàn phá và nạn đói nghiêm trọng mà phiến quân Boko Haram ở vùng đông bắc Nigeria gây ra.
Maiduguri, thành phố khoảng một triệu dân mà Karama đang ở, đã tiếp nhận một triệu người chạy trốn khỏi vòng kiểm tỏa của phiến quân hồi giáo cực đoan, khi làng mạc của họ bị đốt phá và hàng trăm trẻ em bị bắt cóc.
Tại Maiduguri, phần lớn người đi sơ tán không ở trong trại cứu trợ của Liên Hợp Quốc. Họ ăn, ngủ và cầu nguyện nhờ trong những ngôi nhà của người dân địa phương. Nơi họ ở cũng là nhà của những người nghèo.
Vài tháng trở lại đây, Somalia, Nam Sudan và Nigieria trở thành những điểm nóng nhất của nạn đói ở vùng tiểu vùng Sahara Châu Phi. Ở mỗi quốc gia, các tổ chức nhân đạo không đủ sức hỗ trợ thực phẩm và nơi ở cho nhiều người.
Vài người phụ nữ quét dọn bên ngoài nhà của Karama
Nhiều người, đa phần là trẻ em, tử vong vì suy dinh dưỡng và các bệnh có khả năng cứu chữa. Liên Hợp Quốc tuyên bố nạn đói xảy ra ở nhiều khu vực thuộc Nam Sudan, hai quốc gia còn lại có nguy cơ đối mặt với thảm kịch tương tự.
Người nghèo ở mỗi quốc gia lại có cách riêng để giúp đỡ nhau dù sự đùm bọc này không đáp ứng được hết nhu cầu cần trợ giúp.
Tại thị trấn Ganyiel, Nam Sudan, nơi hàng nghìn gia đình đến lánh nạn nhưng không đủ chỗ, người mới đến thường phải ngủ ngoài đường đất.
Những gia đình ở Ganyiel dù đang sống nghèo khổ cũng cố gắng chia sẻ tất cả những gì họ có, từ chút ngô, chút cá đến trái cây, manh chiếu cho các cụ già và không gian trong những ngôi nhà chật hẹp. Đây không chỉ đơn giản là sự sẻ chia mà còn là hành động cứu mạng nhiều người.
Có đồ ăn khi những người xung quanh còn đói, có chốn nương thân dưới cái nắng dữ dội của mùa hè trong khi nhiều người còn héo mòn dưới ánh mặt trời, đối với người đi lánh nạn là điều vô cùng quý.
"Chúng tôi sống dựa vào những người Ganyiel tốt bụng, nhường thức ăn cho", Veronica Nyariel, 43 tuổi, đeo chiếc khăn choàng đen lấm lem bụi đất nơi cô nằm, kể lại.
Ông Elijah Karama
Mohamed Iman cũng là một người đi sơ tán may mắn được giúp đỡ.
Iman đến Baidoa, Somalia đầu tháng 3, cả ngày ông chỉ đi lang thang quanh thành phố nghèo khổ và hoang tàn này. Vài tháng trước ông còn là một nông dân, nhưng bây giờ lại chẳng khác nào một kẻ ăn xin. Chính người Baidoa đã cho ông thức ăn, quần áo và nơi nương náu.
"Vài người biết tôi, vài người không, nhưng ai cũng chìa bàn tay giúp đỡ", Iman, 56 tuổi, cho hay.
Ở ba quốc gia thường xuyên bị nạn đói hoành hành này, người cho và nhận trợ giúp từ thiện thường là thành viên của cùng một bộ lạc, một nhóm hoặc ít nhất cũng cùng bị áp bức.
"Bất cứ khi nào xảy ra thiên tai hoặc khủng hoảng, đặc biệt là ở những nơi khó tiếp cận, các cộng đồng này sẽ tự giúp mình trước khi các tổ chức quốc tế đến hỗ trợ", Patricia Danzi, người đứng đầu các hoạt động của Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ ở châu Phi, cho hay.
Ông Elijah Karama vốn là kỹ sư điện. Ông về hưu cách đây vài năm và có một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Maiduguri. Khi phiến quân Boko Haram tràn vào khu vực này vào năm 2013, 2014, gia đình ông đã cưu mang nhiều gia đình đi lánh nạn.
Họ là thành viên của nhóm sắc tộc Kanuri, những người anh em họ xa mà Karama chưa bao giờ biết mặt. Lúc đông nhất, có đến hơn 70 người trú tại nhà ông, chen chúc trên sàn nhà và trong các lều nhỏ ông dựng ở sân sau. Ông mua những bao gạo và đậu từ tiền tiết kiệm.
Hiện vẫn còn hàng chục người tá túc ở nhà Karama. "Tôi buộc phải giúp họ thôi", ông nói, tay chỉ vào những người đang ngồi khép mình. "Nhà của họ mất rồi. Họ chỉ còn vậy thôi".
Đăng nhận xét