Nghịch lý này đã đẩy hàng nghìn lao động rơi vào tình cảnh không kiếm được việc làm.
Chật vật tìm việc làm
Tại các khu vực tuyển dụng lao động trực tiếp, dễ dàng nhận thấy "độ tuổi vàng" là 18-35 tuổi. Với những người trên 35 tuổi gần như được coi là "quá tuổi lao động". Trường hợp anh Lương Bá Thám, 44 tuổi (ở Thanh Hóa) là một ví dụ. Tại phiên giao dịch việc làm dành cho lao động trở về từ Hàn Quốc mới đây, anh Thám đã nộp hồ sơ tại 3 doanh nghiệp (DN), nhưng đều không thành. Theo anh Thám, trước đó anh cũng đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi, các DN cứ phỏng vấn rồi… để đấy! Chán nản, anh Thám về quê tìm những việc làm phi chính thức để kiếm kế mưu sinh.
Doanh nghiệp thường tìm mọi lý do để sa thải người lao động khi họ trên 35 tuổi, nhất là lao động nữ. Ảnh: Thái Hiền
Trường hợp "chưa quá 40... đã cho là già" như anh Thám khi làm hồ sơ xin việc là phổ biến. Không DN nào nói ra, nhưng dường như điều này đã trở thành "luật". Cũng vì vậy, trong các DN thật khó khăn để tìm được lao động trên 35 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi tại khu nhà trọ cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, chị Nguyễn Thị Hương (quê Ninh Bình) cố tình không tiết lộ công việc cụ thể mình đang làm. Chị Hương cho biết, trong công ty người lớn tuổi nhất sinh năm 1978 (39 tuổi). Đa số công nhân (CN) đều ở độ tuổi 18-30. Những người trên 35 tuổi làm việc ở đây luôn nơm nớp lo sợ DN có thể tìm cách sa thải bất cứ lúc nào vì lý do sức khỏe kém, mất nhiều chi phí cho BHXH, tăng lương...
Ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (Đông Anh) chia sẻ: "Chúng tôi đã phát hiện nhiều DN không thích sử dụng lao động trên 35 tuổi. Hiện trên địa bàn Kim Chung có 15.000 người đăng ký tạm trú, tạm vắng, đa số đều là lao động làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long. Chúng tôi tiếp xúc với nhiều người bị thất nghiệp, nhưng rất khó giúp đỡ vì DN viện cớ sa thải lao động, ví dụ khi họ đổi mới công nghệ nên cắt giảm nhân công để đỡ chi phí...".
Người lao động phải tự hoàn thiện bản thân
Các chuyên gia lao động nhận định, vòng tròn "tuyển dụng - sa thải - tuyển dụng" sẽ liên tục diễn ra. Đây là cách thức để doanh nghiệp có thể nắm trong tay đội ngũ "lao động vàng", tránh được các chi phí bảo hiểm xã hội, thất nghiệp và chi phí tăng lương. Vòng tuần hoàn này sẽ vẫn tồn tại khi mà các cơ quan chức năng không có biện pháp siết chặt DN. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong 4 tháng đầu năm 2017 cho thấy, có tới 89% lao động (10.441 người) trên 35 tuổi đến đăng ký thất nghiệp. Trong đó, chủ yếu do DN cắt giảm nhân sự, lao động không phù hợp với công việc...
Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm giải pháp khắc phục, không còn cách nào khác là người lao động (NLĐ) phải "tự cứu mình". Để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của DN, NLĐ phải tự hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, học nghề thuần thục để chứng minh năng lực đặc biệt là kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình làm việc. Mặt khác, NLĐ phải tìm hiểu Luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với DN không bị "bẫy".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội nói: "Hiện có 126.912 lao động đang làm việc tại 277 DN. Thực tế, NLĐ trên 35 tuổi rất khó xin việc bởi DN phải trả lương, đóng BHXH, thất nghiệp… ở mức cao. Trong khi đó, DN sử dụng lao động trẻ có chi phí rẻ và sức khỏe tốt hơn.
Vì vậy, để bảo vệ NLĐ, CĐ các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Lao động năm 2012 để DN không thể "lách" luật, sa thải NLĐ lớn tuổi. Đồng thời, CĐ cơ sở cần đưa nội dung này vào trong thỏa ước lao động tập thể, nhằm xây dựng đội ngũ công nhân lao động có tay nghề, tác phong công nghiệp, bảo đảm việc làm ổn định.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, NLĐ động muốn có thu nhập ổn định và tích lũy thì phải làm thêm, tăng ca. Vì vậy, họ bị "vắt kiệt sức" lao động. Về lâu dài, lao động suy giảm sức khỏe, nguy cơ tai nạn lao động cao, hệ lụy theo đó là ở độ tuổi nhất định (tầm 35-40 tuổi), lao động không thể đáp ứng yêu cầu DN đưa ra. Cơ hội tìm việc làm khác là rất khó. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng cần yêu cầu các DN không được tăng số giờ làm thêm của NLĐ (không quá 200 giờ làm thêm mỗi năm). Đây cũng là cách để bảo vệ cho NLĐ bảo đảm giữ việc làm sau lứa tuổi 35-40.
Đại diện Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thừa nhận, tình trạng DN lợi dụng một số quy định của luật pháp trong việc ký hợp đồng theo thời hạn xác định (12 tháng, 36 tháng) để "né" lao động tuổi trên 35 vẫn diễn ra. Trong "Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động", Thanh tra Bộ sẽ thanh tra các DN về việc ký kết hợp đồng NLĐ có đúng luật và DN có tiếp tục ký kết hợp đồng không xác định thời hạn với NLĐ hay không. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, trong dự kiến sửa Luật Lao động tới đây, Bộ sẽ đưa ra cơ chế, chế tài để xử lý vấn đề này.
Theo Kim Vũ (Báo Hà Nội Mới)
Đăng nhận xét