Chọn nghề ngồi sau vô lăng vì mê đi đây, đi đó

Gặp gỡ chị Nguyễn Thị Luân (SN 1978, An Lão, Hải Phòng) lúc chị tranh thủ thời gian rảnh chờ bảo trì chiếc taxi 7 chỗ mới thấy hết sự bận bịu của "bóng hồng" của nghề tài xế này.

Đến với nghề lái xe taxi đã 7 năm 4 tháng, chị Luân kể, nhớ từng ngày từng tháng như vậy, bởi chọn nghề ngồi sau vô lăng này là niềm đam mê, sở thích của chị từ rất lâu.

Sinh ra ở vùng quê nghèo An Lão (Hải Phòng) cách xa khỏi sự phồn hoa, náo nhiệt của trung tâm thành phố, chị Luân gắn bó với nghề nông, đồng ruộng, con trâu, máy cày nhiều năm.

Cung đường chị thuộc nhất cũng chỉ là đường từ nhà ra chợ, ra đồng. Ấy vậy mà sau vài năm lên thành phố làm thu ngân xe buýt, chị lại thấy yêu những con đường, yêu phố xá và luôn ao ước được đi đây, đi đó như người ta.

Chính niềm yêu thích ấy đã là động lực đưa chị bén duyên với công việc hiện tại. Nhà khó khăn, vốn chẳng có, chị tích cóp từng đồng lương còm cõi khi làm thu ngân xe buýt để tự học lái xe. Năm 2009, bỏ ra được gần 4 triệu bạc để học nghề đối với chị gần như là một quyết định liều lĩnh. 

Chân dung tài xế nữ khiến phái nam cũng phải nể phục - Ảnh 1.

Được ngồi sau vô lăng đi đây đó là niềm yêu thích của chị Luân.

Chị kể: "Ở quê nghèo lắm nên mình mới phải lên thành phố lập nghiệp. Thật ra thì nếu sung sướng thì chẳng ai đi lái taxi cả. Nhưng với riêng mình, không ngại khổ, không ngại chuyện nữ giới làm nghề đâu, vì mình đến với nghề cũng bởi đam mê. Thích đi đây, đi đó thì được lái xe cả ngày mình cũng không thấy mệt".

Có lẽ chính bởi niềm yêu thích đặc biệt với nghề ấy, nên từ một "tân binh" bắt điểm còn chưa thuộc, nhiều lần bị CSGT bắt phạt vì quên luật, sai đường, bị khách từ chối lên xe vì không tin tưởng phụ nữ cầm lái… chị Luân đã trở thành "bóng hồng" lái xe vững vàng nhất công ty với kinh nghiệm 7 năm có lẻ.

Khó có thể tưởng tượng được hình ảnh người phụ nữ 40 tuổi gầy nhom, chỉ vẻn vẹn 45kg lái chiếc xe taxi 7 chỗ chở khách đi khắp các tỉnh từ Lạng Sơn, Móng Cái đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định…Ấy vậy mà chuyến nào chị cũng đã thực hiện, đến độ lái xe qua đêm đến 2-3h sáng về phòng trọ vẫn cứ là chuyện thường.

Chân dung tài xế nữ khiến phái nam cũng phải nể phục - Ảnh 2.

Chị tự biết cách chăm sóc, bảo trì xe, luôn có lốp dự phòng hoặc biết các dấu hiệu để gọi cứu viện.

Chị kể: "Nếu mình thích thú với công việc mình làm thì mọi khó khăn sẽ đều là chuyện nhỏ. Lái xe như mình thì vẫn có thời gian ngủ bù dọc đường, tranh thủ chợp mắt năm, mười phút đợi khách khứ hồi hai chiều.

Quan trọng là mình có sở thích đi lại, thích dành thời gian dài để thăm những nơi từng đến, đôi khi thân thiện quá còn được khách họ mời đi chơi cùng cả đoàn (cười)".

Những góc khuất trên những cung đường và chuyện đời cô độc của "bóng hồng" nghề lái xe

Luôn nở nụ cười chất phác trên môi nhưng phía sau những niềm vui khi cầm lái trên các cung đường, cuộc đời chị Luân cũng đã trải qua không ít thăng trầm, cô độc mà đến người nghe cũng chẳng cười nổi.

Chị kể: "Gặp cướp, gặp mấy kẻ biến thái hay trêu ghẹo, sàm sỡ phụ nữ thì mình chưa. Nhưng bị quỵt tiền thì khó tránh khỏi".

Có đợt chị Luân nhận khách từ Đình Vũ lên cầu Thanh Trì nhưng hai vị khách đó lại không xuống, bắt chị chở đi Đông Anh – Hà Nội, một người xuống xe, một người đòi chở ra bờ đê, bắt đi lòng vòng và có dấu hiệu quỵt tiền. 

Có kinh nghiệm nhiều năm, chị đã chốt hết các cửa, gọi điện lên tổng đài tại Hà Nội và đợi thanh tra đưa khách quỵt tiền về đồn Công an.

Chân dung tài xế nữ khiến phái nam cũng phải nể phục - Ảnh 3.

Với kinh nghiệm nhiều năm lái xe, chị luôn để sẵn điện thoại bên cạnh để gọi cho tổng đài khi có sự cố.

Giữa 12h trưa ở bờ đê vắng vẻ, chị vẫn liều lĩnh làm rõ mọi chuyện với khách. Chị Luân bảo, đó không phải là cò kè, mà mình chỉ làm đúng trách nhiệm của một người cầm lái. Sự can đảm của chị luôn được anh em tài xế trong công ty truyền tai nhau nể phục.

Đến với nghề lái taxi, chị Luân phải chấp nhận sống xa gia đình. Với những "bóng hồng" theo nghề, khó khăn càng nhân lên gấp bội, khi bản thân vừa là trụ cột về kinh tế trong gia đình vừa phải làm tròn bổn phận của người phụ nữ.

Chị tâm sự: "Nhiều lúc mình cũng rất nhớ nhà vì dịp lễ hầu như không được nghỉ, Tết cũng chỉ được về tầm chiều 30 đến sáng mồng 1 là đi. Nhà khó khăn nên nhận một mình một xe chứ những người khác nhận làm 1 ngày nghỉ 1 ngày nên vẫn có thời gian dành cho gia đình. Mình độc thân nên nhận vậy càng đỡ tốn tiền về nhà trọ (cười)".

Ở trọ cách nhà 22km, chị chỉ tiện về thăm nhà những lúc có khách đi một chiều về gần An Lão. Bố mẹ ở nhà cũng lo lắng, cũng mong muốn chị sớm yên bề gia thất, xây dựng mái ấm nhỏ nhưng càng nghĩ lại càng buồn, vì chẳng có ai chấp nhận thông cảm cho cái nghề đi nhiều hơn ở của chị.

Niềm an ủi lớn nhất với chị, đó là cứ mỗi tháng chỉ tiêu hết 2 triệu, dành dụm được vài triệu tiền lương gửi về cho gia đình. Bởi với chị Luân, sống vì gia đình vẫn là trên hết, còn chuyện yêu đương, con cái lại là duyên phận, cưỡng cầu cũng khó thành.

Cũng bởi vậy mà ngày chị gặp tôi, phải đến khi biết có những tấm hình đăng báo, chị mới tô vội son môi, dặm chút phấn vẫn còn đầy hộp. 

Người phụ nữ chất phác, giản dị ấy đến tô son cũng còn lóng ngóng, bởi quanh năm suốt tháng ngồi sau vô lăng, điều chị chú tâm chỉ là lái xe sao cho an toàn, chứ chẳng bao giờ để tâm đến chuyện nhan sắc hay làm đẹp.

Chân dung tài xế nữ khiến phái nam cũng phải nể phục - Ảnh 4.

Chị Luân rất ít khi bận tâm đến chuyện làm đẹp.

Chị kể, những người phụ nữ đã có chồng vào nghề này thì chẳng nói, chứ những người "xấu và nhà quê như chị", lại độc thân, cứ quanh năm rong ruổi đây đó, chẳng kịp làm quen với ai và cũng chẳng dám để ai tiếp cận mình.

Từng có một thời chị ngại ra các bến xe bắt khách vì sợ bị trêu ghẹo và cảm thấy tự ti so với hội đàn ông làm tài xế. Nhưng qua 7 năm, lượng khách quen nhiều đến mức đi cả ngày 5,6 chuyến không hết, chị cũng đã vững tâm lái và bớt ngượng ngùng khi bắt chuyện với người lạ.

Nhưng càng đông khách, càng bận bịu đưa từng đoàn đi du lịch, chứng kiến gia đình họ quây quần những ngày Lễ, hội, lòng chị lại co thắt vì nỗi nhớ nhà và niềm tủi thân cho sự đơn độc ở tuổi 40.

Bảo không lo, không gấp có lẽ cũng chỉ là dối lòng. Vì quanh năm suốt tháng làm việc trên xe, trở về lại làm bạn với bốn bức tường nhà trọ chật hẹp, cơm nước thanh đạm qua ngày, đến son và phấn cũng mua để cho vui chứ chẳng bao giờ dùng đến, có lẽ người phụ nữ nào rồi cũng sẽ tủi thân và lo lắng cho tương lai.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.