Trong một bài xã luận đăng tải ngày 26-6, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc khẳng định: "Việc Washington theo đuổi các mối quan hệ gần gũi với New Delhi chủ yếu là chiến lược nhằm sử dụng Ấn Độ như một công cụ để đối trọng với Trung Quốc".
Bài xã luận cho biết thêm: "Ấn Độ có thể nhận được bao nhiêu lợi ích cụ thể? Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông ấy hứa giúp Ấn Độ giành ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nhưng cuối cùng, ông ấy không hành động. Liệu Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump có giúp Ấn Độ thực hiện điều đó? Liệu ông Donald Trump có gây áp lực lên Pakistan vì những hành động ủng hộ khủng bố? Câu trả lời có lẽ là không".
Thời báo Hoàn cầu còn chế giễu người dân Ấn Độ vì chịu "phục tùng Mỹ": "Trở thành mảnh ghép chính trong trò chơi ghép hình của Mỹ không phải điều gì đáng tự hào. Thay vào đó, nó có thể là một cái bẫy".
Ấn Độ và Trung Quốc đang gặp căng thẳng về vấn đề biên giới. Ảnh: PTI
Bài xã luận được đăng tải trước thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn Độ hội đàm song phương ở Washington hôm 26-6 (giờ địa phương). Thêm vào đó, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang gặp căng thẳng về vấn đề biên giới.
Hôm 26-6, dọc đường biên giới Sikkim, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã chạm trán nhưng không có báo cáo về thương vong. Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm Đường kiểm soát thực tế (LAC) đóng vai trò là ranh giới mặc định giữa hai nước.
Trung Quốc cho rằng Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ họ ở khu vực Sikkim và Tây Tạng. Các quan chức Bắc Kinh cho biết lính biên phòng Ấn Độ đã cản trở hoạt động của lực lượng Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Ấn Độ rút quân ngay lập tức.
Trong khi đó, theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, binh sĩ Trung Quốc bị cáo buộc băng qua đường biên giới Sikkim và phá hủy 2 hầm trú ẩn của quân đội Ấn Độ.
Khu vực đèo Nathu La là nơi người dân Ấn Độ thường đi qua để hành hương tới các địa điểm tôn giáo, trong đó có đạo Hindu và đạo Phật, ở Tây Tạng. Khu vực này chứng kiến những vụ đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1967 và hiện căng thẳng vẫn đang còn âm ỉ.
Phạm Nghĩa (Theo BBC)
Đăng nhận xét