Căng thẳng tiếp tục tăng nhiệt trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Liên tục tập trận
Tàu sân bay trực thăng Mistral của Pháp mới đến căn cứ Sasebo Nhật Bản sẽ cùng với các lực lượng của Nhật Bản, Anh và Mỹ tập trận đổ bộ quanh đảo Tinian, cách thủ đô Tokyo - Nhật Bản khoảng 2.500 km về phía Nam, từ ngày 3 đến 22-5. Cuộc tập trận quy mô lớn quy tụ các lực lượng hải quân quốc tế hùng mạnh bậc nhất thế giới nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân với tên lửa tầm xa có khả năng bắn đến Bắc Mỹ.
Theo báo Forbes (Mỹ), cuộc tập trận với sự tham gia của 700 binh sĩ được xem là thông điệp cứng rắn gửi tới Triều Tiên và cả Trung Quốc. Nhật và Mỹ vẫn quan ngại chuyện Trung Quốc nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài vùng biển nước này và biển Đông qua việc phát triển các tàu sân bay. Mối lo này được chia sẻ bởi Pháp, quốc gia kiểm soát một số đảo ở Thái Bình Dương. Ngay cả khi thiết lập mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Trung Quốc, Anh và Pháp đều đang tăng cường sự hợp tác về an ninh với Nhật - đồng minh thân cận của Mỹ có lực lượng hải quân mạnh thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc.
Ngoài ra, động thái tăng cường hoạt động hải quân của Nhật nhằm ủng hộ Hàn Quốc cũng được cho là sẽ làm giảm căng thẳng ngoại giao giữa Seoul và Tokyo. Trong khi đó, sự hiện diện quân sự của Anh và Pháp trong khu vực chứng tỏ NATO, trong đó có Mỹ, luôn đứng sau Hàn Quốc.
Cũng nhằm gây sức ép lên Bình Nhưỡng, ngay sau vụ phóng tên lửa không thành công của Triều Tiên chiều 29-4, Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động cuộc tập trận chung ngay khi nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson (vừa kết thúc cuộc tập trận với Nhật Bản) tiến vào biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) qua ngả eo biển Tsusima. Ngoài USS Carl Vinson, nhóm tàu chiến Mỹ còn có tàu tuần dương Lake Champlain trang bị tên lửa điều khiển và 2 tàu khu trục Michael Murphy, Wayne E. Meyer. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài hết tuần này tập trung vào các hoạt động giám sát, theo dõi và đánh chặn bất kỳ tên lửa đạn đạo liên lục địa nào do Triều Tiên phóng ra - theo hãng tin Yonhap.
Tàu sân bay USS Carl Vinson liên tục tập trận với các đồng minh gần Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Triều Tiên đe dọa đánh chìm tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ - đã được điều động đến vùng biển Hàn Quốc hồi tuần rồi. Theo cảnh báo phát ngày 30-4 từ website tuyên truyền Urminzokkiri của Triều Tiên, số phận của tàu ngầm này là “trở thành bóng ma không thể ngoi lên mặt nước được”. “Dù đó có là tàu sân bay hạt nhân hoặc tàu ngầm hạt nhân, chúng sẽ biến thành đống sắt vụn trước sức mạnh quân sự của chúng ta” - Urminzokkiri nhấn mạnh.
Tên lửa chưa “chín”
Bắc Kinh vẫn chưa lên tiếng về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Song, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 29-4 bất ngờ có bài viết chế nhạo vụ phóng tên lửa đạn đạo này của đồng minh thân cận.
“Thất bại này cho thấy công nghệ tên lửa của Triều Tiên chưa chín muồi và cỗ xe phóng tên lửa diễu binh trong Ngày Ánh dương cách đây không lâu có thể chỉ là mô hình” - Thời báo Hoàn Cầu viết.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên không chỉ nhằm nghiên cứu và phát triển mà còn là một phần nỗ lực để củng cố tinh thần người dân nước này. Từ đó, Triều Tiên chưa thể tạo ra mối đe dọa tên lửa đạn đạo liên lục địa trước mắt đối với Mỹ.
Tổng thống Trump “tự hào”
Trả lời phỏng vấn trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS phát sóng ngày 30-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên. Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện đúng vào dịp đánh dấu 100 ngày nhậm chức này, ông chủ Nhà Trắng còn bày tỏ tin tưởng rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đè nặng áp lực đối với chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa mà Triều Tiên đang theo đuổi.
Với tỉ lệ ủng hộ xuống thấp tới mức kỷ lục so với những người tiền nhiệm, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng “tận hưởng” sự kiện cán mốc 100 ngày cầm quyền không giống như nhiều ông chủ Nhà Trắng khác. Theo đài BBC, ông Trump quyết định không tham dự bữa tối cùng với báo giới tại Nhà Trắng - vốn là một sự kiện thường niên quan trọng để nối kết chính quyền với giới truyền thông. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ bỏ lỡ sự kiện này kể từ thời cố Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981.
Truyền thông - vốn bị Tổng thống Trump gọi là “kẻ thù của nước Mỹ” - cũng một lần nữa bị ông lôi ra xỉa xói trong bài phát biểu trước người ủng hộ đánh dấu sự kiện trọng đại đối với mỗi đời tổng thống Mỹ ở TP Harrisburg, bang Pennsylvania. Trước đám đông ở bang chiến trường - nơi ông Trump giành được chiến thắng quyết định trước đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm ngoái - Tổng thống Mỹ chỉ trích rằng “truyền thông giả” đã không nhận ra những thành tựu mà chính quyền ông đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong lúc Tổng thống Trump tự hào ăn mừng những “thành tựu” mà ông cho là bị báo chí vùi dập, hàng chục ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối quan điểm của chính quyền ông Trump về biến đổi khí hậu. Tại thủ đô Washington, đám đông biểu tình đã tuần hành từ tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng. Suốt thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối từ vấn đề nạo phá thai, nhập cư cho đến các chính sách khoa học…
Xuân Mai
LỤC SAN
Đăng nhận xét