Đã bước qua tuổi 63 nhưng mỗi ngày, võ sư Ngô Khắc Hoàng vẫn rong ruổi khắp nơi với bộ đồ võ. Tập taekwondo từ khi còn rất nhỏ, đến năm 1979, võ sư Hoàng đến với Aikido và nhanh chóng trở thành một trong những đệ tử xuất sắc của môn phái tại TP HCM. Hòa trong dòng nhiệt huyết của thanh niên TP HCM vào những năm 1975-1980, chàng thanh niên 25 tuổi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) TP HCM và phục vụ tại nông trường Nhị Xuân. Là tiểu đội trưởng, hằng ngày, Khắc Hoàng phải tiếp xúc với rất nhiều thành phần, mà đa phần là những thanh niên chậm tiến hoặc thành phần giang hồ bị đưa đi cải tạo do lực lượng TNXP quản lý.

Võ sư Ngô Khắc Hoàng hướng dẫn các võ sinh những bài tập cơ bản

Võ sư Ngô Khắc Hoàng hướng dẫn các võ sinh những bài tập cơ bản

Chính trong những ngày ấy, có dịp tiếp xúc với các “bạn học viên” của mình, Khắc Hoàng đã cảm nhận được “phần người” của những đồng đội đang cùng mình đào kênh, trồng rừng trên những mảnh đất khô cằn đang được tắm mát trở lại. Xuất ngũ năm 1984, võ sư Ngô Khắc Hoàng trở thành trợ lý HLV tại Trung tâm TDTT Phú Thọ, rồi trở thành HLV vào năm 1993 tại Đạo đường Aikido 94B Điện Biên Phủ, quận 1, TP HCM.

Kể từ đó, võ sư Khắc Hoàng bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về chữ “nghĩa” trong võ đạo. Nhớ đến những người thanh niên lầm lỡ mà mình đã từng quản lý, võ sư Hoàng khi huấn luyện luôn cố gắng dạy học trò mình phải lấy “tín nghĩa” làm đầu, lấy võ đạo để cảm hóa chứ không phải để đối đầu, đúng với tinh thần của môn võ Aikido và với những ngày gian khó khoác màu cỏ úa. Những lớp võ của thầy Hoàng, vì thế, không chỉ là nơi rèn luyện mà còn mang đến không khí của một gia đình. Với các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn hay tố chất “cá biệt”, võ sư Hoàng đã gặp gỡ, động viên để hướng dẫn hoặc cho học miễn phí.

Nhắc về người thầy của mình, võ sư Lê Hoàng Mai - Trưởng Bộ môn Aikido Tân Bình, người nổi tiếng với những bài hướng dẫn tự vệ cho nữ công nhân viên chức - người lao động tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM và trên mạng xã hội - kể: “Tôi vốn là dân bụi đời, may mà có thầy”. Theo võ sư Hoàng Mai, gia cảnh ông khó khăn, năm lớp 9 đã bỏ học và đi bụi. Ngang qua lớp Aikido của võ sư Hoàng, thấy hay nên ông xin vào học nhưng giữa chừng thì ông bỏ vì “hết tiền”.

Biết được Mai có tố chất và hoàn cảnh đặc biệt, võ sư Ngô Khắc Hoàng đã dạy miễn phí. Càng học, càng trò chuyện với thầy, Lê Hoàng Mai nhận ra rằng học võ không phải để đánh nhau mà để tự vệ; võ thuật cũng giúp cho con người rèn luyện sức khỏe và điềm đạm hơn. Võ sư Lê Hoàng Mai kể rằng “đám nhóc” ngày trước đi bụi với ông, đứa thì chết bờ chết bụi, đứa mãi luẩn quẩn trong những cơn nghiện ma túy, có người vào tù ra tội, rồi mắc nhiều căn bệnh. Nhìn lại đám bạn, ông không khỏi rùng mình rồi thầm cảm ơn thầy Hoàng…

Dưới sự huấn luyện của võ sư Ngô Khắc Hoàng, đã có 8 sân võ Aikido ra đời trên tinh thần đó, từ Ninh Thuận đến Đà Nẵng hay tại TP HCM, cùng nhiều võ sư ưu tú lấy tâm làm đạo. Rất nhiều phụ huynh đã tin tưởng gửi gắm con em mình cho thầy Hoàng dạy dỗ. Võ sư Lê Hoàng Mai bộc bạch: “Thầy Hoàng không chỉ là một người dạy võ mà còn là một người anh sẻ chia với tôi rất nhiều điều. Lúc đó, thầy tin tưởng cho tôi hỗ trợ để chỉ dẫn các bạn còn lại, đến bây giờ tôi muốn trả ơn cho thầy bằng cách truyền đạt môn võ này lại cho bất kỳ ai muốn học, đặc biệt là người khuyết tật”.

Bài và ảnh: Quang Liêm

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.