Kể từ khi nhậm chức hơn 2 tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho Lầu Năm Góc ngày càng nhiều quyền hành hơn đối với các hoạt động quân sự trên khắp thế giới, trái ngược hẳn với thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Cần nhanh và kịp thời
Được Nhà Trắng bật đèn xanh, Lầu Năm Góc đang âm thầm gia tăng nắm giữ quyền kiểm soát đối với các quyết định về chiến trận, điều động thêm hàng trăm quân tham chiến cũng như tìm kiếm quyền hạn lớn hơn trong cuộc chiến chống các nhóm quá khích ở Trung Đông và châu Phi. Chẳng hạn, quân đội Mỹ đã được phép triển khai thêm bộ binh đến Iraq và Syria mà không có nhiều tranh luận công khai về động thái này. Đáng nói hơn, Bộ Quốc phòng Mỹ từ giờ sẽ không còn tiết lộ chính xác con số binh sĩ trú đóng ở Syria và Iraq.
Theo kênh ABC News, nhờ đạo luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự có hiệu lực sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Nhà Trắng có quyền điều động binh sĩ mà không cần thông qua quốc hội và xếp lực lượng này vào loại “tạm thời”. Theo luật Mỹ, các binh sĩ tạm thời không được tính vào tổng quân số đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Tổng thống Trump vào tuần rồi đã cho phép quân đội tấn công phủ đầu tổ chức al-Shabab tại Somalia. Trước đây, các lực lượng Mỹ ở Somalia chỉ được phép nổ súng để phòng vệ, giống như điều mà binh sĩ Mỹ tại Afghanistan có thể làm trước các tay súng Taliban. Giải thích về đề nghị của mình trong cuộc chiến chống tổ chức al-Shabab, tướng Thomas Waldhauser - Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ - khẳng định cần thiết phải linh động và kịp thời hơn nữa trong quá trình đưa ra quyết định.
Sắp tới, vai trò của quân đội Mỹ có thể mở rộng ở Yemen, nơi các lãnh đạo quân sự Mỹ muốn hỗ trợ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất nhiều hơn trong cuộc chiến với quân nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn. Biện hộ cho những thay đổi này, Lầu Năm Góc viện dẫn sự cần thiết phải hoạt động chóng vánh, không cần báo trước khiến kẻ thù bất ngờ.
Dưới thời ông Obama, Lầu Năm Góc phải xin phép thực hiện từng cuộc không kích. Vì thế, quân đội Mỹ khi đó thường xuyên than phiền về “sự kìm kẹp” và các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng hành vi kiểm soát chặt các hoạt động quân sự của chính quyền ông Obama đã hạn chế sự hiệu quả của quân đội.
Lính Mỹ ở Afghanistan Ảnh: KHAAMA PRESS
Nhiều nguy cơ
Thế nhưng, việc trao cho Lầu Năm Góc nhiều quyền hành hơn ẩn chứa những nguy cơ về quân sự và chính trị. Lớn nhất là nguy cơ con số thương vong của thường dân và quân nhân Mỹ gia tăng.
Theo hãng tin AP, việc can dự sâu hơn vào các cuộc chiến chống phiến quân, từ các trận đánh trên đường phố ở Iraq đến những cuộc đột kích bí mật ở Yemen và nhiều nơi khác, làm gia tăng nguy cơ binh sĩ Mỹ tử vong. Điều đó có thể khiến công chúng phẫn nộ và gây rắc rối chính trị cho quốc hội vào thời điểm chính quyền ông Trump đang tìm cách xóa sổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng như chống lại các nhóm cực đoan khác trên thế giới.
Việc cho phép các sĩ quan cấp thấp hơn đưa ra quyết định không kích kịp thời nhằm vào những khu vực đông dân cư, như các đường phố ở TP Mosul - Iraq, cũng có thể khiến thường dân tử vong nhiều hơn. Quân đội Mỹ đang điều tra một số vụ ném bom xuống TP Mosul vào giữa tháng 3 mà nhân chứng cho là đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng. Lầu Năm Góc còn xem xét những chiến thuật tấn công mới giữa lúc có bằng chứng cho thấy các phần tử quá khích đưa thường dân vào trong các tòa nhà, sau đó dụ liên minh do Mỹ đứng đầu tấn công.
Ngoài ra, bà Alice Hunt Friend, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nêu ra một mối quan ngại khác: Nếu như quân đội một mình ra quyết định về địa điểm hoặc cách thức chiến đấu, họ có thể dễ dàng bị cuốn vào đó, dẫn đến những tình huống vi phạm các thỏa thuận chính trị và chính sách.
“Các lãnh đạo chính trị có thể mất quyền kiểm soát những chiến dịch quân sự” - bà Friend cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh quân đội phải phối hợp với các cơ quan thực thi chính sách đối ngoại và báo cáo với Nhà Trắng.
LỤC SAN
Đăng nhận xét