Tất cả kiến nghị của cán bộ, công nhân viên, ban giám đốc sẵn sàng đối thoại và giải quyết với tinh thần cầu thị. Thông qua đối thoại, ban giám đốc mong muốn mọi gút mắc về việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) phải được giải quyết căn cơ bởi đây chính là cơ sở để ổn định quan hệ lao động lâu dài tại doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus), đã khẳng định như vậy tại hội nghị NLĐ tổ chức mới đây.
Giải đáp thỏa đáng nguyện vọng của người lao động
Làm gì để hội nghị NLĐ diễn ra có chất lượng và đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ luôn là trăn trở của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Theo ông Nguyễn Viết Thi, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Saigon Bus, trước tiên, CĐ cần làm tốt việc thu thập ý kiến đóng góp của NLĐ về các vấn đề liên quan, nhất là tình hình việc làm và thu nhập, để làm cơ sở cho việc đối thoại.
Tại Saigon Bus, việc tập hợp nguyện vọng NLĐ được CĐ cơ sở thực hiện rất chỉn chu từ trước khi hội nghị NLĐ diễn ra. 13 ý kiến đóng góp xác đáng nhất của NLĐ liên quan đến tình hình sản xuất - kinh doanh, nhất là vấn đề tiền lương, được CĐ cơ sở chắt lọc đã thể hiện nguyện vọng của số đông NLĐ. Sự chuẩn bị chu đáo của CĐ cơ sở đã giúp hội nghị NLĐ diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ, làm hài lòng tất cả đại biểu tham dự.
Nhờ tổ chức tốt đối thoại, quan hệ lao động tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong luôn ổn định
Phần lớn các kiến nghị về việc cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp cho tài xế và đội ngũ tiếp viên được lãnh đạo Saigon Bus ghi nhận và trả lời thỏa đáng. Không chỉ hài lòng khi nguyện vọng được đáp ứng, nhiều đại biểu cũng tích cực hiến kế nhiều giải pháp thiết thực để thu hút nhân tài cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN khi chuyển sang cổ phần hóa.
Việc CĐ cơ sở làm tốt công tác tập hợp kiến nghị của NLĐ cũng đã giúp hội nghị NLĐ Công ty TNNH MTV Cảng Bến Nghé diễn ra suôn sẻ, giải quyết được hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ như: đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho NLĐ, quy chế nâng lương, khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.
“Đối thoại có trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp hội nghị NLĐ đi vào chiều sâu thực chất. Bản thân NLĐ cũng sẽ ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển của DN và sẽ cống hiến hết mình vì nơi làm việc” - ông Phan Thanh Trình, Chủ tịch CĐ Công ty TNNH MTV Cảng Bến Nghé, nhìn nhận.
Cán bộ Công đoàn phải nhạy bén
Thực tế, tổ chức đối thoại định kỳ, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại DN không phải là điều đơn giản. Tâm lý ngại đối thoại của người sử dụng lao động là nguyên nhân chính khiến đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT.
Theo bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), kỹ năng thương lượng của đội ngũ cán bộ CĐ đóng vai trò quyết định thành công của công tác đối thoại, vận động và thuyết phục DN trong thương lượng và ký kết. Trước thời điểm diễn ra hội nghị NLĐ, CĐ cơ sở chủ động khảo sát thu nhập và chi tiêu thực tế của NLĐ để có thể đàm phán với ban giám đốc. Sự nhạy bén, nhất là kỹ năng thương lượng khéo léo, đã giúp CĐ cơ sở sớm đạt được sự đồng thuận với ban giám đốc về vấn đề điều chỉnh tiền lương, phụ cấp, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca... và điều này đã tạo tâm lý phấn khởi cho tập thể lao động.
“Không phải lúc nào DN cũng làm ăn thuận lợi. Do vậy, cán bộ CĐ cũng phải khéo chọn thời điểm bởi điều này quyết định ít nhiều đến sự thành - bại của công tác thương lượng” - bà Thu nhận xét.
Chia sẻ kinh nghiệm thương lượng, bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Shing Việt (100% vốn nước ngoài; quận Thủ Đức, TP HCM), bày tỏ: “Ở những buổi đối thoại định kỳ, mong muốn lớn nhất của NLĐ vẫn là ổn định việc làm, thu nhập, phúc lợi được cải thiện. Do vậy, để vận động, thuyết phục DN đáp ứng nguyện vọng của NLĐ, cán bộ CĐ phải nắm bắt được tâm lý cả hai phía và có cách vận động phù hợp”.
Liên tục đeo bám sản xuất, đặc biệt là tình hình việc làm, thu nhập của NLĐ, hơn ai hết, đội ngũ CĐ cơ sở Công ty TNHH Shing Việt hiểu rất rõ tập thể lao động cần gì và chủ động xây dựng phương án đàm phán phù hợp. Sự tinh tế trong cách nghĩ và cách làm của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở đã giúp hơn 900 lao động tại công ty trong nhiều năm qua được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn luật định.
Để NLĐ gắn bó lâu dài, từ đề xuất của CĐ cơ sở, công ty trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho họ trên thu nhập thực tế. Ngoài phụ cấp chuyên cần (300.000 đồng/tháng), công ty còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 năm/lần nhằm phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho công nhân. Mới đây, ban giám đốc quyết định nâng tiền ăn giữa ca từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng/suất.
Càng cụ thể càng có lợi
“Đề xuất của CĐ liên quan đến chế độ, chính sách càng cụ thể chừng nào thì càng có lợi cho quá trình đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Bên cạnh đó, chính sách lương bổng, đãi ngộ phải được hoàn thiện trên cơ sở hài hòa quyền lợi DN và NLĐ” - ông Trương Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức), khẳng định.
Bài và ảnh: TRỰC NGÔN
Đăng nhận xét