Tác giả chủ trì cuộc nghiên cứu, TS Karen Allesoe, Đại học miền Nam Đan Mạch, cho biết: “Nghiên cứu trước đây cho thấy đàn ông và phụ nữ làm việc đòi hỏi thể lực sẽ gia tăng nguy cơ bệnh tim. Nâng hay mang vác vật nặng làm gia tăng huyết áp, có thể gây ra bệnh tăng huyết áp - một nguy cơ đặc biệt đối với tim mạch”.
12.093 nữ điều dưỡng Đan Mạch đã tham gia cuộc nghiên cứu từ năm 1993. Các dữ liệu về tăng huyết áp và công việc có hoạt động thể lực được thu thập qua một bảng câu hỏi, từ trạng thái tĩnh tại, trung bình (chủ yếu đứng và đi nhưng không dùng sức) đến mức cao (đứng hoặc đi có mang vác đồ vật) và cuối cùng là nặng (có sử dụng sức).
Các điều dưỡng bị tăng huyết áp có công việc hoạt động thể lực cao được so sánh với điều dưỡng có huyết áp bình thường và công việc cần thể lực trung bình. Trong suốt 15 năm theo dõi, 580 điều dưỡng đã bị mắc bệnh tim, gần 12% bị tăng huyết áp. Công việc hoạt động thể lực được xem là cao ở 46,3% điều dưỡng, trung bình ở 34,4% và tĩnh tại ở 19,3% điều dưỡng khác. Các điều dưỡng bị tăng huyết áp có công việc hoạt động thể lực cao có nguy cơ bị bệnh tim gấp 3 lần so với điều dưỡng có huyết áp bình thường và công việc hoạt động thể lực trung bình. Các điều dưỡng có huyết áp bình thường với hoạt động thể lực cao có tỉ lệ bị bệnh tim gia tăng 20%, song điều này không có ý nghĩa thống kê sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống như đái tháo đường và hút thuốc lá.
Theo TS Allesoe, có sự tương tác giữa tăng huyết áp và công việc cần thể lực cao. Hai yếu tố nguy cơ này có vẻ như song hành với nhau, dẫn đến một tỉ lệ lớn hơn bị bệnh tim. Nghĩa là với công việc đòi hỏi thể lực, phụ nữ bị tăng huyết áp có nguy cơ cao bị bệnh tim. “Theo chúng tôi hiểu thì chưa thấy điều này trước đây ở phụ nữ” - Allesoe nói.
Cách giải thích có lý là do xơ vữa mạch máu dẫn đến bệnh tim. Công việc đòi hỏi thể lực khiến gia tăng nhịp tim và huyết áp. Nhịp tim tăng cao dẫn đến việc hình thành các mảng ở thành động mạch, từ đó bệnh xơ vữa mạch máu xuất hiện. Tăng huyết áp cũng gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, nâng và mang vác vật nặng gây tăng huyết áp cấp tính, rất có hại ở người đã có sẵn bệnh tăng huyết áp.
TS Allesoe nhấn mạnh: “Kết quả nghiên cứu này cũng áp dụng cho những nghề khác đòi hỏi nâng, mang vác vật nặng và đứng, đi trong nhiều giờ nhưng cần phải nghiên cứu thêm”.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Đăng nhận xét