Nếu coi trí tuệ và sự cần cù là vàng ngọc, vậy có thể ví lòng trung thành như kim cương. Xét trên ý nghĩa nào đó, lòng trung thành đối với công ty và công việc của mình chính là trung thành với sự nghiệp của bản thân, là sự cống hiến cho sự nghiệp bằng một hình thức khác. Về điểm này, Jack Ma hết sức tán đồng.
Tại Trung Quốc, đại đa số các doanh nghiệp khi tiến hành bình xét, đánh giá nhân viên, đều coi hiệu quả công việc là tiêu chí hàng đầu, các nhà lãnh đạo đó rất tâm đắc với những nhân viên có thể trực tiếp đem lại lợi nhuận cho công ty. Thế nhưng, Jack Ma thì khác.
Khi tuyển chọn nhân tài, ông chủ yếu coi trọng nhân cách, hay nói cách khác chính là giá trị quan của người đó. Tại Alibaba, khi tiến hành bình xét thi đua, hiệu quả công việc và giá trị quan mỗi thứ chiếm 50%, đồng thời chia nhân viên thành 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất là những nhân viên hiệu quả công việc tốt nhưng phẩm chất đạo đức kém, được gọi là “chó hoang”. Đối với số này, nếu không thể thay đổi giá trị quan của họ, vậy cho dù hiệu quả công việc tốt đến mấy, Alibaba cũng sẽ kiên quyết thải loại.
Nhóm thứ hai là những nhân viên làm việc kém hiệu quả nhưng phẩm chất đạo đức tốt được gọi là “thỏ trắng”. Đối với số này, Alibaba sẽ chuyên tâm bồi dưỡng cố gắng giúp họ mau chóng trưởng thành, nhưng nếu mãi vẫn không tiến bộ, vậy cũng dần bị đào thải.
Nhóm thứ ba là những nhân viên chẳng những làm việc giỏi mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, được gọi là “chó săn”. Họ là những nhân viên mà công ty cần do đó sẽ được trọng dụng và có cơ hội tiếp thu sự bồi dưỡng tối ưu.
Trong hệ thống sát hạch đó, những điều kiện tiên quyết để trở thành nhân viên Alibaba đó là thành thực, yêu nghề, đam mê, tôn trọng sự thay đổi, khả năng làm việc nhóm, khách hàng là số 1. Đó là cơ chế sát hạch coi giá trị quan là ưu tiên hàng đầu.
Giả sử bạn làm việc chưa tốt, vẫn hạn chế trong việc giao tiếp quan hệ thì công ty sẽ giúp bạn trưởng thành. Nhưng nếu đi ngược lại giá trị quan của công ty, làm những việc tổn hại tới hình ảnh của tập thể thì cho dù hiệu quả làm việc tốt đến mấy, năng lực tốt đến đâu cũng phải khăn gói ra đi.
Khi mới thành lập, Jack Ma lập ra một chế độ: Công ty không bao giờ trả tiền lại quả cho bất cứ ai, nếu ai trả tiền lại quả cho khách hàng, xin mời rời khỏi Alibaba. Jack Ma cho rằng Alibaba không có nhu cầu “đi đêm”, ông cũng không cần những đối tác muốn đi đêm.
Tuy nhiên một ngày có người phản ảnh 2 nhân viên Taobao khi tiếp xúc với khách hàng đã cam kết rằng sẽ có lại quả. Qua điều tra, thì ra đó là một nhân viên kinh doanh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh ta đã nghĩ ra trò trên để thành tích trong quý của mình có thể đạt loại ưu.
Trên thực tế, 2 nhân viên bán hàng kể trên đã mang về tới 60% doanh số cho cả tập đoàn, nghe thật khó mà tin được. Thực chất họ đạt được điều này nhờ một số thỏa thuận riêng - chuyện có lẽ không còn quá xa lạ với dân sale.
Nhân viên kinh doanh đó thường ngày còn luôn tỏ ra tích cực, hơn nữa vừa được bình chọn là “ngôi sao bán hàng”. Giám đốc bộ phận tiếc rẻ, không nỡ sa thải chỉ vì một lần phạm sai lầm.
Sau khi biết tin, Jack Ma liền lập tức yêu cầu nhân viên đó làm thủ tục xin nghỉ việc. Theo lời ông nói thì: "Tôi rất tiếc nhưng vẫn phải loại bỏ cậu ta, vì về lâu về dài, loại người như vậy sẽ gây tổn thất lớn cho tập thể".
“Thành thực” là một trong những yêu cầu bắt buộc khi đến xin việc tại Alibaba. Muốn vào công ty, bất cứ ai cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn này, vì theo quan niệm của Jack Ma, đó là phẩm chất đáng quý nhất của con người.
Đăng nhận xét