Bộ Công Thương vừa quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam từ 3,17%-38,34%.

Kiện chưa tới 10 vụ

Một sản phẩm khác là mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu Việt Nam từ Trung Quốc cũng được áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế từ 21,18%-36,33%.

 Nhiều sản phẩm nước ngoài nhập về Việt Nam được bán với giá rất rẻ khiến ngành sản xuất trong nước lao đaoẢnh: Tấn Thạnh

Nhiều sản phẩm nước ngoài nhập về Việt Nam được bán với giá rất rẻ khiến ngành sản xuất trong nước lao đaoẢnh: Tấn Thạnh

Quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu Việt Nam được đưa ra sau khi kết quả điều tra của cơ quan quản lý cho thấy có tình trạng bán phá giá hàng hóa nhập khẩu Việt Nam cũng như tình trạng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể vì loại hàng hóa này.

Đây là 2 trong một số vụ kiện của doanh nghiệp (DN) trong nước thành công và được cơ quan quản lý quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước thép, một số mặt hàng như bột ngọt, dầu ăn… nhập khẩu từ các nước cũng được Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá. Nhưng số lượng vụ việc như trên là quá ít so với tần suất hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở khắp các thị trường. Chỉ tính tại thời điểm này, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nước ngoài như: tôn lạnh, tôn mạ màu, sợi, nhôm ép nhập khẩu, cá tra, cá ba sa, tôm… Đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra phòng vệ thương mại trên 70 vụ việc với hàng loạt sản phẩm khác nhau, trong khi số lượng vụ việc tương tự mà Việt Nam đang điều tra hoặc đã áp dụng phòng vệ thương mại chỉ khoảng 10 vụ.

Theo các chuyên gia, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp thuế nhập khẩu về 0% nhưng nhiều thị trường vẫn muốn bảo hộ ngành sản xuất trong nước thì nên tăng cường phòng vệ thương mại với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trước hàng nhập khẩu. Đây được xem là biện pháp cuối cùng để bảo vệ hàng nội địa. DN các nước tận dụng rất tốt công cụ này trong khi DN Việt Nam lại rất ít sử dụng, thậm chí không hiểu phòng vệ thương mại là gì.

Tăng cường bảo hộ hàng trong nước

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC), cho biết từ khoảng chục năm trước, các chuyên gia đã khuyến cáo về “biện pháp cuối cùng” này khi hàng Việt xuất khẩu bắt đầu bị kiện ở hàng loạt thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhiều DN Việt chưa hiểu hết tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước, các số liệu thống kê của DN và hiệp hội nhằm thu thập thông tin số liệu chứng minh thiệt hại của ngành sản xuất cũng không đơn giản. “Các số liệu thống kê của DN, cơ quan quản lý như thống kê, hải quan phải đủ thuyết phục để áp dụng được biện pháp phòng vệ thương mại. Ngay cả chi phí thuê luật sư để đi kiện cũng là vấn đề lớn…” - luật sư Trần Hữu Huỳnh nhận xét.

Theo ông Huỳnh, xu hướng kiện phòng vệ thương mại ở các thị trường chắc chắn sẽ còn tăng mạnh nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước. Do đó, các DN sản xuất của Việt Nam cũng cần quan tâm đến “biện pháp cuối cùng” này khi thấy ngành sản xuất của mình bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng nhập khẩu. Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội ngành hàng cũng rất quan trọng khi cần nắm bắt tình hình hoạt động của DN thành viên, thu thập số liệu thống kê và tăng cường làm việc với cơ quan quản lý như Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để đề xuất biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết. Có thể nhiều DN thấy hoạt động sản xuất của mình bị thiệt hại bởi hàng nhập khẩu, có nguy cơ bị tổn thương nhưng không phải DN nào cũng đủ lực, kinh phí để sẵn sàng cho việc đi kiện. Vì vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng để hỗ trợ DN trước làn sóng cạnh tranh của hàng ngoại trên sân nhà.

Luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cũng đồng tình với quan điểm trước làn sóng hàng nước ngoài ồ ạt, chúng ta cần tăng cường các biện pháp bảo hộ giá trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, với các hàng rào chúng ta dựng lên để đối phó hàng nhập khẩu, phải làm sao phát huy được vai trò kiểm soát để xác minh giá bán đúng, tránh nước bạn lách luật nhằm bán hàng. Ngoài ra, các DN phải liên kết, phối hợp với nhau để bảo vệ cho hàng hóa của mình, khi có dấu hiệu hàng hóa phá giá từ nước ngoài thì có thể nộp đơn lên đầu mối là Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương.

Ý kiến

Luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn:

“Biết người” thật kỹ mới kiện

Theo quy định của pháp luật thương mại, chúng ta có thể kiện khi có dấu hiệu nhập khẩu về Việt Nam một lượng lớn hàng hóa từ một thị trường với mức giá rất rẻ. Ví dụ như trường hợp mới nhất là việc Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị điều tra chống bán phá giá với thịt gà đông lạnh của Mỹ nhập về Việt Nam khi nhiều năm qua, thịt gà nhập từ Mỹ về nước ta chiếm hơn 70% tổng lượng nhập và giá rất rẻ, chỉ 14.000-15.000 đồng/kg.

Về nguyên tắc, Việt Nam phải xem xét xem giá bán của nước bạn như vậy có phù hợp không, muốn vậy thì cần nắm rất chắc thông tin từ phía DN chăn nuôi và cung ứng của Mỹ. Cần có những thông tin khảo sát về phía thị trường họ. Nuôi gia cầm như vậy thì chi phí lao động, thức ăn chăn nuôi của họ ra sao, đầu ra bao nhiêu, có phù hợp với mức giá bán không. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có những trường hợp chúng ta không đủ dữ liệu để chứng minh họ cố tình bán phá giá. Thực tế, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các nước bạn thường có giấy tờ, sổ sách liên quan đến đầu ra một cách minh bạch, rõ ràng. Khi làm việc, nếu phía ta lập hồ sơ thẩm tra, đưa ra các câu hỏi mà nước bạn giải trình được thì cũng không thể kiện.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:

Tốn kém nhưng phải làm

Hiệp hội Thép và các DN thành viên mất 6 tháng và một khoản chi phí không nhỏ để theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu Việt Nam, kết quả là từ tháng 3-2016, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng này. Nhờ quyết định trên, lượng thép nhập khẩu Việt Nam trong một năm qua giảm, sản xuất trong nước được cải thiện.

Dĩ nhiên, đã tham gia vào những vụ tranh tụng thương mại là tốn kém thời gian lẫn tiền bạc nhưng vì lợi ích lâu dài của ngành thì vẫn phải làm. Chúng ta mới tham gia sân chơi chung, chưa có nhiều kinh nghiệm nên càng phải mạnh dạn sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để tự vệ.

Sau vụ kiện này, bài học lớn nhất rút ra đối với các DN thép nói riêng và DN Việt Nam nói chung là cần tìm hiểu kỹ, nâng cao nhận thức của mình về quyền và nghĩa vụ trong hội nhập quốc tế; có chế độ sổ sách kế toán, chứng từ minh bạch, rõ ràng để nếu bị kiện thì biết cách chống đỡ, nếu bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp thì biết cách tự vệ. Do mới tham gia hội nhập nên kiến thức, kinh nghiệm của cả DN, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam còn hạn chế. Qua một số vụ kiện trong những năm gần đây, các công ty luật và cán bộ điều tra của Cục Quản lý Cạnh tranh có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm, phối hợp với DN nhịp nhàng, hiệu quả hơn.

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ:

Bảo đảm chăn nuôi bền vững

Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lệnh ngưng nhập khẩu thịt từ một số bang của Mỹ và 21 nhà máy của Brazil, giá gà trong nước đã chuyển biến tích cực. Tính đến cuối tháng 3-2017, giá gà lông trắng tại trại là 30.000 đồng/kg, người nuôi đã có lãi. Điều này cho thấy nếu nhà nước kiểm soát tốt chất lượng thịt nhập thì giá gà nhập không bao giờ rẻ như thời điểm trước.

Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm chăn nuôi bền vững, không để nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh ép “chết”, sau đó họ một mình một chợ tăng giá. Việc theo đuổi vụ kiện rất tốn kém, trong khi tiềm lực của ngành chăn nuôi Việt Nam có hạn. Do đó, chỉ cần Việt Nam xây dựng được hàng rào kỹ thuật và thực hiện đúng quy định kiểm soát khi nhập khẩu thì hàng nội không lo sợ vì giá thành chăn nuôi trong nước tương đương thế giới nhưng chúng tôi lợi thế về vận chuyển.

P.Nhung - Ng.Ánh - T.Nhân ghi

Thái Phương

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.