Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền mới tại Mỹ nhằm “cài đặt lại” mối quan hệ giữa 2 nước, vốn trải qua nhiều sóng gió dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Đặt chân tới thủ đô Riyadh chiều 18/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mang theo thông điệp của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump muốn tăng cường mối quan hệ đồng minh giữa 2 nước thông qua việc lắng nghe và hiểu biết lẫn nhau.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Mattis sẽ lần lượt có các cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia Salman, Thái tử Mohammed bin Nayef và Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Saudi Arabia lo ngại về sự can dự ngày càng tăng của Iran vào các quốc gia Arab thông qua ảnh hưởng với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite, đặc biệt là tại Yemen.

Là một quốc gia láng giềng với Saudi Arabia có chung đường biên giới phía Đông, Yemen đã bị tàn phá nặng nề do cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua giữa nhóm nổi dậy người Houthi do Iran hậu thuẫn với các lực lượng thân chính phủ được sự hỗ trợ Saudi Arabia.

Có thể nói, tăng cường giữa Mỹ và Saudi Arabia trong vấn đề Yemen sẽ phần nào nói lên mức độ mối quan hệ đồng minh giữa hai nước dưới thời chính quyền mới tại Mỹ.

Trên thực tế, từ nhiều thập kỷ nay, Saudi Arabia luôn đóng một vị trí không nhỏ trong “học thuyết chính sách ngoại giao” của các đời Tổng thống Mỹ.

Tất cả các tài liệu chính thức tại Mỹ từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao tới Quốc hội đều nhấn mạnh về mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa Mỹ và Saudi Arabia, một mối quan hệ đặc biệt dựa trên các hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ, hợp tác quân sự sâu rộng, hợp tác an ninh song phương ngày càng được tăng cường, đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và những mối lo ngại chung liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã trở nên sóng gió trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Obama, đặc biệt là từ đầu năm 2011, liên quan đến một loạt bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.

Chính vì thế theo các nhà phân tích, chuyến thăm Saudi Arabia lần này của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ cài đặt lại mối quan hệ đồng minh với quốc gia Arab này.

Trước thềm chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Saudi Arabia trong chính sách an ninh của Mỹ tại khu vực.

“Saudi Arabia đã từng là một đồng minh an ninh chủ chốt của Mỹ từ năm 1944 và họ vẫn là một trụ cột trong chính sách an ninh của Mỹ tại khu vực cũng như đối với các lợi ích của Mỹ”, ông Mattis khẳng định: “Tôi sẽ có cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia và các nhà lãnh đạo khác của nước này để thảo luận về tình hình an ninh và cách thức làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai nước”.

Thực tế là kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã có một loạt bước đi có thể coi là khiến Saudi Arabia hài lòng.

Đầu tiên phải kể đến việc chính phủ Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Iran sau khi nước này phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo, cũng như vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Yemen.

Theo một số nguồn thạo tin, thời gian tới, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể nối lại việc bàn giao các loại bom thông minh có khả năng dẫn đường cho Saudi Arabia, mà chính quyền Tổng thống Obama đã quyết định tạm ngừng ngay trước khi rời nhiệm sở do lo ngại về thương vong với dân thường tại Yemen.

Hay có thể quyết định tăng cường hỗ trợ cho liên minh Arab tại Yemen, dù chính quyền của ông nhiều lần khẳng định muốn khôi phục "càng sớm càng tốt" các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Đổi lại Mỹ muốn Saudi Arabia tăng cường tham gia vào chiến dịch chống lại IS ở Iraq và Syria, một điều mà Mỹ không khó nhận được sự đồng ý của Saudi Arabia. Nước này mới đây đã hoan nghênh quyết định của Mỹ lần đầu tiên sau hơn 6 năm nội chiến tại Syria không kích trực tiếp vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng rất thận trọng khi đưa ra dự báo về tương lai mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới hiện nay có nhiều biến động, với nhiều bất đồng và lợi ích đan xen.

Hơn nữa, sóng ngầm trong quan hệ hai nước cũng không hề ít và đã âm ỉ từ rất lâu, kể từ sau khi Saudi Arabia áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ để trừng phạt phương Tây năm 1973 vì đã ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Arab-Israel. Tiếp theo đó là vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khi hầu hết những tên không tặc đều mang quốc tịch Saudi Arabia.

Dự kiến sau Saudi Arabia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Ai Cập và sau đó là Israel./.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.