Mở rộng độ bao phủ và củng cố hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cải cách của Việt Nam nhằm thực hiện quyết tâm đạt được phổ cập BHXH trong thời gian tới... Đó là khuyến nghị được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra tại hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và ILO tổ chức hôm 29-3. Trước khuyến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta chắc chắn sẽ có những thay đổi quan trọng”.
Sẽ mất cân đối vào năm 2034
Theo thống kê, diện bao phủ BHXH ở Việt Nam đã tăng đáng kể trong 10 năm qua. Tuy nhiên, độ phủ này vẫn còn thấp trong doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, lao động có hợp đồng ngắn hạn. Trong khi đó, lao động trong khu vực phi chính thức, lao động nông thôn phần lớn chưa tham gia BHXH, chỉ tham gia BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí tự nguyện và chế độ tử tuất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của Việt Nam. Chính sách BHXH được thực hiện chính thức từ năm 1961 và cho đến trước năm 1995, chỉ áp dụng đối với công nhân - viên chức nhà nước theo cơ chế bao cấp. Từ năm 1995, chính sách BHXH được cải cách theo hướng dần mở rộng đối tượng tham gia trong các DN có sử dụng từ 10 lao động trở lên rồi tiếp tục mở rộng cho các lao động được ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên. Từ tháng 1-2018, đối tượng tham gia tiếp tục được mở rộng đến lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên. Ngoài ra, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam.
Theo ông Dung, chính sách BHXH đã từng bước đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2016, có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hằng năm, khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hằng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong BHXH, như diện bao phủ BHXH ở Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều người lao động chưa được tham gia BHXH và được bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình làm việc như: ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp; nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái.
Bên cạnh đó, Quỹ BHXH tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân đối dài hạn. “Theo tính toán của ILO, nếu không có điều chỉnh về chính sách thì quỹ lương hưu và tử tuất tại Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảnh báo.
Phải mở rộng đối tượng đóng BHXH trong các khu vực kinh tế, loại hình lao độngẢnh: Thanh Nga
Tránh bỏ sót đối tượng
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng để mở rộng diện bao phủ BHXH, trong thời gian tới, cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH phù hợp theo hướng gắn trách nhiệm của địa phương; thực thi chính sách hỗ trợ “có điều kiện” để tạo thói quen tham gia BHXH; bổ sung thêm chế độ ngắn hạn đối với chính sách BHXH tự nguyện; đơn giản hóa quy trình thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách, xóa bỏ rào cản về ranh giới hành chính, địa phương trong việc tham gia vào hệ thống BHXH.
Ông Michael Cichon, nguyên Giám đốc Ban ASXH của ILO, đề xuất 4 phương án để mở rộng diện bao phủ BHXH, trong đó có giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cứ 1 năm tăng lên 1 tuổi và bắt đầu thực hiện từ năm 2018.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hiện nay, chưa thống kê số liệu chính xác số lao động thực chất thuộc diện đóng BHXH. Thứ hai là việc xác định mức tiền lương để đóng bảo hiểm. Có tình trạng DN đang xây dựng hai bảng lương, một bảng lương để quyết toán thuế, bảng lương còn lại chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút để đóng BHXH. Do đó, ông Chính đề nghị thời gian tới phải liên thông giữa cơ quan thuế với cơ quan đóng BHXH để tránh bỏ sót đối tượng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan liên quan cần tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH nhằm chăm lo cho toàn dân, đặc biệt đối với những người yếu thế và người có công. Phó Thủ tướng yêu cầu phải thống kê chính xác số người trong độ tuổi lao động; tiếp tục mở rộng và đổi mới chính sách bảo hiểm tự nguyện, coi người tham gia BHXH như khách hàng; đổi mới công tác quản lý lao động và Quỹ BHXH, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội để mở rộng đối tượng tham gia BHXH nhằm bảo đảm ASXH.
Mức trần đóng BHXH quá cao
Ông Phạm Trường Giang nhận định mức trần đóng BHXH theo quy định hiện nay là quá cao, tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. “Khoản thu BHXH hôm nay là khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai, với sự mất cân đối đóng - hưởng, mức đóng càng cao, gánh nặng nhà nước phải chịu trong tương lai càng lớn” - ông Giang nhấn mạnh. Cũng theo ông Giang, việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng cũng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho Quỹ BHXH. Tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu (kỳ vọng sống sau tuổi hưu) là 79,5, trong đó nam 79 và nữ 80. Tính trung bình, thời gian hưởng là 25,3 năm (nam 24,9 năm, nữ 27,4 năm) song tiền đóng BHXH chỉ đủ chi trả trong 10 năm.
Đồng tình với các ý kiến giảm mức trần đóng BHXH, ILO khuyến nghị chỉ nên khống chế ở mức tối đa bằng 10 lần lương cơ sở như một số quốc gia khác trong khu vực (Trung Quốc chỉ gấp 3 lần).
Ông Chang Lee Hee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam:
Hướng đến người có hợp đồng lao động ngắn hạn
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là việc bình thường đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch hành động quốc gia, các hệ thống ASXH và sàn ASXH. Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức như tỉ lệ dân số già cao trong những năm gần đây không kém gì so với các nước phát triển.
Hiện mới có 13 triệu lao động Việt Nam tham gia BHXH, khi mở rộng diện bao phủ, cần hướng tới những người có hợp đồng lao động ngắn hạn. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị công ở Việt Nam tương đối non trẻ, cần cải thiện theo hướng tích cực, chỉ khi nào kết hợp kinh nghiệm, nỗ lực của mọi người thì mới có được hệ thống ASXH bền vững.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:
Tiếp cận người tham gia BHXH tự nguyện
BHXH trong những năm qua đã mở rộng các phương thức tuyên truyền theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế. Hiện ngành BHXH đã có cơ chế chia sẻ thông tin với cơ quan thuế. Đơn cử như năm 2017, việc chia sẻ thông tin đã mở rộng được hơn 40.000 DN chưa tham gia BHXH. Kế hoạch đặt ra trong năm 2017 là sẽ kiểm tra và thanh tra khoảng 50% DN chưa tham gia và năm 2018 là toàn bộ các DN.
Đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử. Từ năm 2017 sẽ tiếp tục thực hiện chi trả qua điện tử, giảm bớt các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, mở rộng các đại lý để tiếp cận các đối tượng, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện.
PGS-TS Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động:
Không nên đóng quá cao và hưởng quá cao
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là tạo ra sàn ASXH. Đầu tiên, chúng ta kết hợp một sàn ASXH tối thiểu, trong sàn đó mức đóng tối thiểu trên nguyên tắc đóng và hưởng vừa phải, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu nhất của người dân. Tầng thứ 2 của sàn ASXH là không nên có mức đóng quá cao và hưởng quá cao, dẫn đến tình trạng trốn đóng và tìm mọi cách chống đối.
Ở sàn thứ hai, BHXH bắt buộc xem xét giảm tỉ lệ đóng và xác định mức hưởng cố định. Ở tầng thứ ba mới đến sàn BHXH tự nguyện, ai có nhu cầu đóng thì tiến dần lên. Đây là một trong những cách làm tốt, bảo đảm an sinh tối thiểu toàn dân, tăng được diện mở rộng bao phủ BHXH.
Văn Duẩn
Đăng nhận xét