Quảng Nam có 16 huyện và 2 thành phố, trong đó có 9 huyện miền núi là Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước và Nông Sơn. So với 7 huyện và 2 thành phố khu vực đồng bằng, tình trạng khan hiếm bác sĩ (BS) ở 9 huyện miền núi này trầm trọng hơn, kéo dài hàng chục năm nay.

Chê nơi hẻo lánh

Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết từ năm 2014, Quảng Nam đã “trải thảm đỏ” với nhiều cơ chế ưu đãi nhằm thu hút BS có trình độ sau ĐH về làm việc tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Tuy nhiên, trong 2 năm thực hiện chỉ thu hút được 135 BS.

“Số lượng BS ra trường về công tác không nhiều nhưng chủ yếu xin vào các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh chứ ít ai chịu về tuyến huyện, đặc biệt là miền núi và các cơ sở y tế, BV chuyên khoa” - ông Văn nhìn nhận.

Vì thiếu bác sĩ, cử nhân y khoa nên nhiều trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phải ngưng vận hành Ảnh: TỬ TRỰC

Vì thiếu bác sĩ, cử nhân y khoa nên nhiều trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phải ngưng vận hành Ảnh: TỬ TRỰC

Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam đang có 7,07 BS/10.000 dân, trong đó khối cơ sở y tế công lập đạt 5,66 BS/10.000 dân. Ở một số huyện miền núi, tỉ lệ này rất thấp, có nơi chỉ 2 BS/10.000 dân. Do thiếu BS, một số BV tuyến huyện như Nông Sơn, Tiên Phước, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang... không đủ BS để triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao.

“Hầu hết các BV tuyến huyện miền núi không có BS chính quy về làm việc nên gặp khó khăn để triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn sâu” - ông Văn dẫn chứng.

Thực tế, trên toàn hệ thống khám chữa bệnh ở Quảng Nam, số lượng các dịch vụ kỹ thuật mang tính chuyên môn sâu được triển khai ít, đội ngũ BS có trình độ chuyên môn cao khá mỏng và chưa có tính kế thừa. Theo ông Văn, chính tình trạng thiếu BS diễn ra trong thời gian dài khiến việc chuyển giao trang thiết bị, kỹ thuật y khoa gặp trở ngại, ảnh hưởng đến vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các tuyến.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, nhằm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế tỉnh nhà, đặc biệt là đội ngũ BS và cán bộ y tế có trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế, Sở Y tế đang tiếp tục xây dựng đề án chính sách đào tạo cán bộ y tế và thu hút BS về công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, giai đoạn 2017-2021. Ông Nguyễn Văn Văn khẳng định tiếp nối những thành công bước đầu từ đề án triển khai trong giai đoạn 2013-2015, đề án lần này đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt. Dự kiến, tại kỳ họp sắp tới, HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét để thông qua đề án này.

Chính sách chưa hấp dẫn

Dù “trải thảm” mời BS về các huyện miền núi làm công tác phát triển y tế cộng đồng nhưng Quảng Ngãi cũng như những địa phương khác luôn rơi vào tình cảnh khan hiếm.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đánh giá trong những năm qua, tỉnh đã chi hàng tỉ đồng để thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y nhưng kết quả nhiều nơi vẫn thiếu y - BS trầm trọng. BS Đặng Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, nhìn nhận dù tỉnh rất nỗ lực nhưng các chính sách vẫn chưa đủ hấp dẫn để kéo thầy thuốc về vùng cao.

“Nguyên nhân chủ yếu có thể do BS trẻ không muốn nhận công tác tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, ít có điều kiện thăng tiến. Chúng tôi phải tự thân vận động trong tình thế luôn thiếu hụt thầy thuốc” - ông Hoàng băn khoăn.

Ở huyện Sơn Tây, Trung tâm Y tế cũng đang “tự bơi” trong tình cảnh thiếu hụt y - BS. Ông Đinh Hồng Nhía, giám đốc trung tâm, lo ngại: “Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cao, vùng sâu hết sức cần thiết nhưng ít ai chịu về. BS được đào tạo chính quy, trình độ cao càng vắng”. Theo ông Nhía, một số trang thiết bị y tế do không có BS, cử nhân y khoa nên không vận hành được, ảnh hưởng nhiều đến công tác khám chữa bệnh.

Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, trong 4 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y, toàn tỉnh có gần 200 y - BS về công tác. Riêng năm 2016, tỉnh tuyển dụng được 44 BS, trong đó BV Đa khoa tỉnh và BV Sản - Nhi nhận 32 BS, số còn lại phân bổ ở BV chuyên khoa và tuyến huyện đồng bằng.

“Các y - BS sau khi về Quảng Ngãi nhận công tác chủ yếu ở TP và các vùng đồng bằng, trong khi ở miền núi rất ít. Sắp tới, chúng tôi điều chỉnh, trình các ngành chức năng xem xét theo hướng ưu đãi hơn nhiều cho các y - BS về đảm nhận công tác ở các huyện miền núi” - ông Huỳnh Từ, Trưởng Phòng Tổ chức Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết.

Thông tư làm khổ tuyến huyện

Năm 2013, Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi được trang bị một máy chụp X-quang do dự án hỗ trợ vùng y tế duyên hải Nam Trung Bộ đầu tư với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Khi mới được trang bị, phòng máy vẫn vận hành suôn sẻ nhưng đến năm 2015 thì ngưng hoạt động vì vướng Thông tư 41/2015 của Bộ Y tế.

Thông tư 41/2015 quy định nhân viên y tế tốt nghiệp ĐH trở lên mới được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán từ máy chụp X-quang, nếu không sẽ không được thanh toán BHYT. “Vì không tìm được cử nhân y khoa chuyên ngành, không có nhân viên chụp X-quang đủ chuẩn nên chúng tôi buộc phải ngưng hoạt động phòng máy” - ông Hồ Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, nói.

Các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà của Quảng Ngãi cũng được trang bị máy chụp X-quang trị giá hàng tỉ đồng và đều “đắp chiếu” vì thông tư trên. Theo ông Châu Nguyễn Thương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, trong tình cảnh khan hiếm nhân lực y tế, quy định này gây thêm khó khăn cho các cơ sở y tế ở huyện miền núi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Bởi lẽ, việc đi lại từ huyện miền núi, vùng xa đến các BV tuyến trên rất khó khăn, sẽ gây mất thời gian, tốn kém thêm chi phí cho người dân.

T.Trực

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4

Kỳ tới: Phải cách tân đào tạo

TRẦN THƯỜNG - TỬ TRỰC

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.