Một trong những giải pháp được đưa ra là mở rộng đối tượng tham gia BHXH với 34 triệu lao động ở khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, đây là đối tượng rất khó vận động.
Tỉ lệ bao phủ còn thấp
Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt mục tiêu tới năm 2020, có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Nhiều ý kiến cho rằng điều này rất khó khả thi, kể cả khi cơ quan chức năng ráo riết mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Báo cáo của Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy, hiện cả nước có khoảng 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 24% tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, số tham gia BHXH tự nguyện ít ỏi này chủ yếu là đối tượng trước kia đã được đóng BHXH bắt buộc, nay bị dừng đóng nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để nhận lương hưu. Còn tỷ lệ lao động mua BHXH ngay từ đầu là rất thấp. Ông Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, số liệu cập nhật cho thấy, số doanh nghiệp (DN) có đóng BHXH đông, nhưng tỷ lệ lao động tham gia BHXH lại ít. Có rất nhiều DN vừa và nhỏ trốn đóng BHXH cho người lao động.
Báo cáo của BHXH TP HCM cho thấy, năm 2016, có 800.000 người mới đóng BHXH nhưng lại có 700.000 người cũ “ra khỏi” danh sách. Như vậy, đối tượng tăng trên thực tế chỉ khoảng 100.000 người. Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, câu chuyện mở rộng diện bao phủ BHXH không phải bây giờ mới được đặt ra. Chúng ta đã làm nhiều cách nhưng tỷ lệ bao phủ vẫn thấp, hầu như lao động tự do chưa hề tham gia.
Công đoàn chủ động khởi kiện
Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực thi chính sách pháp luật tốt hơn, ngăn chặn tình trạng trốn đóng và tăng cường các giải pháp mở rộng diện tham gia ở khu vực phi chính thức.
Ông Michael Cichon – chuyên gia ILO tham vấn Việt Nam đưa ra nhiều phương án để mở rộng đối tượng tham gia BHXH và cân đối quỹ BHXH mà Việt Nam có thể lựa chọn. “Muốn mở rộng diện bao phủ của BHXH đương nhiên cần đầu tư vào việc giám sát thực thi, để đảm bảo doanh nghiệp đóng đủ BHXH cho người lao động. Đặc biệt phải có sự phối hợp giữa cơ quan thuế và BHXH” – ông Michael Cichon nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Nguyệt Nga (đại diện World Bank) cho rằng muốn mở rộng diện tham gia BHXH, trước hết Việt Nam cần phải “hái những quả thấp trước”, tức là làm tăng tỷ lệ tham gia trong khu vực chính thức. Đây cũng được cho là khu vực dễ mở rộng nhất, nếu làm tốt, Việt Nam có thể nâng tỷ lệ người tham gia từ 13 triệu lên 17,8 triệu ở khu vực chính thức trong 2 năm tới.
Việt Nam khó đạt mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020.
Về phía BHXH Việt Nam, ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, đơn vị này cũng đang cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng. Trước hết thanh tra xử lý, yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên. Đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chây ì, phía Công đoàn cũng sẽ đứng ra khởi kiện. Tiếp đó, đơn vị này cũng tích cực tìm các giải pháp để mở rộng diện tham gia của lao động tự do. “Trước mắt BHXH Việt Nam cũng xác định đối tượng trọng tâm, hướng tới đầu tiên để mở rộng BHXH tự nguyện chính là những hộ kinh doanh dịch vụ vừa và nhỏ, bởi đây là đối tượng có thu nhập ổn định hơn” – ông Liệu nói.
Tại hội thảo quốc tế “Mở rộng diện bao phủ BHXH – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhận định: “Chúng ta không thể copy một phương án của nước nào, phương án mở rộng đối tượng có thể phải là tổng hợp từ nhiều cách. Kiểu như bốc thuốc bắc ngày xưa, bốc mỗi thứ một tý”.
Để mở rộng diện bao phủ BHXH, một mặt phải thanh tra, xử lý những doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Hiện có khoảng 40% lao động có hợp đồng chưa được đóng BHXH. Bên cạnh đó, giải pháp được cho là bền vững là kêu gọi lao động không có hợp đồng (nông dân, lao động tự do, kinh doanh cá thể…) tham gia đóng BHXH”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
Theo Minh Nguyệt (Báo Dân Việt)
Đăng nhận xét