Với hơn 50.000 xe hơi được sản xuất từ những năm đầu thế kỷ XX còn đang lưu hành, Cuba xứng đáng là “thiên đường xe cổ” của thế giới. Bất cứ ai đến Cuba đều bị ngỡ ngàng trước số lượng lớn xe hơi lẽ ra nên nằm trong bảo tàng hay trở thành sắt vụn nhưng vẫn “tung tăng” trên đường.
Người dân Cuba nhìn thấy chiếc xe hơi lần đầu tiên vào năm 1898. Một nhà tư sản mua chiếc xe từ Pháp về với ý định kinh doanh. Lúc đó, chiếc xe chỉ đi được hơn 10km/h đã trở thành một sự kiện, đến nỗi người ta đã tổ chức hẳn một bữa tiệc hoành tráng ở thủ đô La Habana để ăn mừng.
Mãi đến năm 1913, Chính phủ Cuba mới nhập hàng loạt từ Mỹ. Hàng nghìn chiếc xe đã được nhập, của nhiều hãng, nhưng chủ yếu vẫn là Ford và Chevrolet. Hiện nay ở Cuba, có nhiều xe nếu mang đi kiểm tra thì có lẽ nó trị giá hàng triệu đôla, bởi giá trị “cổ”.
Sau khi cách mạng thắng lợi, Cuba được Liên bang Xô Viết bảo trợ toàn diện về kinh tế, quân sự. Từ đó, rất nhiều thương hiệu xe như Lada, Volga, Moscovich… đã được nhập và vẫn còn hoạt động được cho đến ngày nay.
Xe U-oát của Nga còn lại rất nhiều từ thời Cuba còn được Liên Bang Xô Viết viện trợ. (Ảnh:Phong Sơn)
Bị Mỹ cấm vận suốt hơn 50 năm, rồi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nền kinh tế Cuba tưởng chừng không thể vực dậy vào suốt những năm thập niên 90 của thế kỷ trước và cho đến tận các năm đầu thế kỷ XXI.
Trong một thời gian dài, Chính phủ Cuba đã phải ngưng gần như toàn bộ việc nhập khẩu từ các nước khác, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và đưa ra những kế hoạch nhằm khôi phục nền kinh tế kiệt quệ. Đây là một trong những câu trả lời cho những chiếc xe cổ hiện đang hoạt động ở Cuba.
Lý do thứ hai là, Chính phủ Cuba luôn quản lý một cách chặt chẽ việc đăng ký các phương tiện giao thông. Do đó người dân chỉ có thể mua bán xe theo kiểu trao tay với nhau trong nước và không được phép mua từ bên ngoài.
Chỉ một số trường hợp đặc biệt được phép mua xe, đó là bác sĩ và vận động viên người Cuba làm việc và thi đấu ở nước ngoài. Những người này sẽ được Chính phủ cấp cho một giấy phép để mua xe ở các cửa hàng của nhà nước và đăng ký tên Chính chủ.
Đa số những xe được bán ở đây đều là xe đã qua sử dụng, được tân trang lại và bán với giá tương đối rẻ. Để mua được xe ở Cuba, người xin mua xe phải chứng minh được nguồn tiền, rồi tiếp theo là phải có bằng lái xe và ở khu dân cư người đó có vi phạm pháp luật gì không.
Chưa hết, nếu người xin mua xe bị xử phạt vì vi phạm Luật Giao thông thì còn phải xem thời hiệu của “mức án” ấy còn hay hết. Sau khi thỏa mãn các điều kiện ấy thì được cấp giấy mua xe.
Một chiếc Chevrolet 1950 vẫn còn được sủ dụng làm taxi. (Ảnh: Phong Sơn)
Được “đặc ân” như vậy nhưng không phải ai cũng mua xe. Nhiều người bán giấy phép được cấp với giá cao hơn một chút và thế là họ có tiền để làm việc khác như sửa nhà, mua sắm đồ dùng cần thiết.
Và cũng bởi vì không phải người nào cũng có tiền để trang trải tiền xăng khi mà tiền lương cao nhất ở Cuba là 60USD/ tháng. Vì thế, bán giấy phép mua xe cũng được coi là một trong những mánh khóe kiếm tiền ở Cuba.
Việc bán giấy phép mua xe tạo ra rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra giấy tờ xe.
Tháng 12 vừa rồi, lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua, Chính phủ Cuba cho phép người dân được mua bán xe tự do nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước.
Đây là một bước đi nữa trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tư nhân, tạo cơ hội làm giàu cho người dân.
Cách đây khoảng 20 năm, ở Cuba, chỉ có người nước ngoài, không kể sinh viên, nhân viên ngoại giao hay doanh nghiệp mới được phép mua xe, nhập xe. Nhưng chỉ được một thời gian thì việc này bị cấm hoàn toàn bởi vì có nhiều người nước ngoài đã làm giàu bằng việc mua xe từ nước ngoài rồi bán cho người bản địa.
Đăng nhận xét