Vụ tai nạn xe máy tông thành cầu Nguyễn Văn Cừ (cầu nối quận 5 và quận 8, TP HCM) khiến 1 thanh niên rớt xuống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chết đuối hôm 17-4 một lần nữa làm dấy lên nỗi bất an của người dân khi đi qua cầu có lan can thấp.
Ôm cua gắt nhưng lan can thấp
Trở lại hiện trường vụ tai nạn nói trên, nhiều người dân cho biết tình huống dẫn đến vụ tai nạn khá hy hữu nhưng thực tế thành cầu được thiết kế khá thấp. Vị trí xảy ra tai nạn là đoạn cua gấp theo hướng từ quận 4 qua quận 8, lan can cầu chỉ cao ngang hông người ngồi xe máy. Dù hầu hết các phương tiện khi lưu thông qua vị trí này đều phải ôm cua rộng nhưng nếu va chạm xảy ra, khả năng nạn nhân bị hất văng qua lan can cầu là có thể. Theo quan sát, không chỉ riêng vị trí trên có lan can thấp mà nhiều đoạn khác ở cầu Nguyễn Văn Cừ cũng được thiết kế tương tự, chỉ một số đoạn cong được gắn thêm hàng rào lưới B40. “Vị trí ôm cua từ quận 4 qua quận 8 trên cầu Nguyễn Văn Cừ rất gắt trong khi thành cầu lại được thiết kế khá thấp nên tôi rất sợ mỗi khi chạy xe qua” - chị Nguyễn Hồng Linh (ngụ quận 4) nói.
Nhiều đoạn lan can cầu Nguyễn Văn Cừ được thiết kế khá thấp
Không chỉ cầu Nguyễn Văn Cừ có lan can khá thấp, nhiều cây cầu khác bắc qua sông hoặc các giao lộ thuộc địa bàn TP cũng được thiết kế tương tự. Đơn cử cầu chữ Y (nối liền quận 5 và quận 8), cầu vượt ngã tư An Sương (quận 12), cầu vượt ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân)… Những cây cầu này không có hành lang cho người đi bộ và tổ chức cho các loại xe lưu thông hỗn hợp, người điều khiển xe máy phải đi sát thành cầu trong khi chiều cao của lan can ở nhiều đoạn chỉ cao ngang mạng sườn người ngồi xe máy. Chưa kể, khoảng hở giữa các thanh lan can khá rộng, đủ để một người lớn chui lọt.
Không thể tùy tiện nâng thành cầu
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1- thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM), tại vị trí thanh niên rơi xuống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé hôm 17-4 chưa từng xảy ra tai nạn giao thông và trường hợp này cũng được đánh giá là khá hy hữu. Hiện đang chờ kết luận từ cơ quan công an để xác định nguyên nhân, nếu thành cầu thiết kế chưa phù hợp thì sẽ khắc phục.
Ông Ninh cho biết thêm trước đây, cầu Nguyễn Văn Cừ từng có trường hợp người đi xe máy đụng vào thành cầu rồi văng qua lan can nhưng chỉ xảy ra ở đoạn cầu cong nên khu đã làm thêm hàng rào lưới B40, gắn biển báo giảm tốc độ tại một số đoạn có nguy cơ mất an toàn, cho đến nay không ghi nhận có trường hợp tai nạn trên cây cầu này.
Cũng theo ông Ninh, việc xây dựng cầu tại TP đều tuân theo quy chuẩn thiết kế của ngành xây dựng và giao thông. Chiều cao của cầu phải bảo đảm độ tĩnh không cho các phương tiện lưu thông phía dưới, mức độ chịu lực của lan can cũng được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, không thể tùy tiện nâng cao thành cầu. Tuy nhiên, trước việc một số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cầu mà nạn nhân bị hất văng xuống dưới, Khu 1 đã tiến hành nâng thêm chiều cao ở tất cả các cầu vượt thép thuộc địa bàn quản lý. Riêng cầu Nguyễn Văn Cừ không thực hiện gắn hàng rào lưới B40 trên toàn bộ cầu là do có thể làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Một số cầu vượt qua các nút giao thông như ngã tư An Sương, Tân Thới Hiệp… cũng được phản ánh có lan can thấp nhưng theo đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (đơn vị quản lý), những lan can này đã được thiết kế theo đúng chuẩn và chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra tai nạn giao thông trên cầu mà nạn nhân bị văng xuống đất.
Trong khi đó, theo TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), tiêu chuẩn cho lan can cầu vượt ở các tuyến giao thông trong đô thị tại Việt Nam hiện đang áp dụng theo một số nước trên thế giới, chỉ cao từ 1,2- 1,4 m. Tuy nhiên, với đặc thù giao thông tại Việt Nam, việc thiết kế lan can như vậy là quá thấp. Ông Sanh cho rằng nhiều cây cầu không có lề bộ hành, trong khi người dân chủ yếu đi xe máy và phải lưu thông chật hẹp trên cầu, dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm rồi văng xuống đất là rất cao. Cũng theo ông Sanh, lan can cao hoặc thiết kế thêm rào chắn không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cây cầu nếu các đơn vị biết thiết kế màu sắc, biểu tượng phù hợp.
Rà soát toàn bộ lan can cầu
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, sau vụ tai nạn xảy ra hôm 17-4, đơn vị này hiện đã đề nghị đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm nhiều lực lượng thuộc Sở Giao thông Vận tải, CSGT… kiểm tra để tìm nguyên nhân. Đồng thời, các đơn vị cũng tiến hành khảo sát trên tất cả các cây cầu thuộc địa bàn TP, có đánh giá cụ thể để điều chỉnh nếu chưa phù hợp.
Bài và ảnh: GIA MINH
Đăng nhận xét