Liên quan dự thảo của Bộ LĐ-TB- XH, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Điều (ảnh) - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật, kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam
Thưa ông, Tổng LĐLĐ Việt Nam có ý kiến như thế nào về dự thảo của Bộ LĐ-TB- XH về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động?
Ông Đặng Quang Điều: - Việc ban hành nghị quyết về việc giảm mức đóng BHTN đối với NSDLĐ được quy định tại Luật Việc làm là việc rất lớn, tác động tới hàng triệu người lao động (NLĐ), nhưng cơ quan soạn thảo chưa tổ chức tổng kết, không tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan vì vậy phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB- XH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành nghị quyết.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cho rằng Quỹ BHTN tồn dư lớn, nên cần điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, lý do quỹ tồn lớn trong thời gian qua không phải do tỉ lệ đóng cao, mà là do hiện nay quỹ chủ yếu mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho LĐ sau khi thất nghiệp mà chưa chi cho đào tạo, chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ để NLĐ có việc làm ổn định và bền vững, tránh bị thất nghiệp. Mặt khác Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ chỉ rõ cần “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao” do đó, Quỹ BHTN cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao độngvà khả năng cạnh tranh của DN.
Xin ông cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam dựa vào những căn cứ nào để đề nghị không ban hành nghị quyết giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho NSD LĐ?
- Theo tìm hiểu của Tổng LĐLĐ Việt Nam Quỹ BHTN tồn lớn cũng không phải do số người thất nghiệp ít mà là do có rất nhiều NLĐ tham gia BHTN, nhưng chưa được hưởng chế độ BHTN vì nhiều nguyên nhân khác nhau khi mất việc làm họ không đi khai báo để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; có nhiều NLĐ ở quá xa các thành phố, nơi có trung tâm giới thiệu việc làm để đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp do ngại phải đi lại, tốn kém, mà mức trợ cấp ít, đôi khi không đủ tiền chi phí cho việc đi lại làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp …
Cơ quan soạn thảo đề xuất giảm mức đóng BHTN cho NSDLĐ với lý do nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) là không thuyết phục vì: Mức giảm 0,5% quỹ lương của NLĐ làm căn cứ đóng BHTN là rất nhỏ, không đáng kể so với chi phí giá thành sản phẩm. Xin dẫn ra ví dụ: Một DN có 1.000 người LĐ với mức lương bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng (là mức lương bình quân khá cao so thực tế) thì tổng quỹ lương của DN là 5 tỉ đồng/tháng. Như vậy nếu giảm 0,5% mức đóng BHTN, thì mỗi tháng DN này cũng chỉ giảm 25 triệu đồng. Nếu DN có quy mô lao động dưới 100, (hiện nay trên 90% số DN ở Việt Nam có quy mô dưới 100 lao động) thì số tiền đóng BHTN chỉ giảm dưới 2,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này so với chi phí của DN là không đáng kể và cũng không thể nhờ số tiền này mà nâng cao sức cạnh tranh của DN được.
Lao động nữ tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong Ành: KHÁNH AN
Theo số liệu của tờ trình thì tổng chi các chế độ BHTN ngày càng tăng (ngay cả khi một số chế độ chưa được thực hiện tốt như đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ), đây là một thực tế hoàn toàn đúng, nhất là khi ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý LĐ, khai báo thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp càng ngày càng hiện đại hóa, thuận tiện, khi người LĐ có thể thực hiện việc khai báo thất nghiệp tại nhà hoặc bằng các thiết bị di động thì chi trợ cấp thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng và đến thời điểm nhất định, Quỹ BHTN hoàn toàn có nguy cơ thu không đủ chi trong tương lai gần.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VIỆT LÂM (Báo Lao Động)
Đăng nhận xét