Thủ tướng Anh Theresa May hôm 18-4 gây sốc khi thông báo kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 8-6 tới, đồng thời cho rằng đó là cách duy nhất để bảo đảm quá trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) diễn ra thành công, mang lại sự ổn định, chắc chắn lâu dài.
Dập tắt hy vọng đảo ngược Brexit
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra vào năm 2020 nhưng luật pháp Anh cho phép tổ chức bầu cử sớm nếu được 2/3 nghị sĩ ủng hộ. Thủ lĩnh Đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn hoan nghênh tuyên bố bất ngờ của bà May. Theo báo The Guardian, lý do quan trọng khiến thủ tướng Anh đi đến quyết định trên là bà cần phải thuyết phục các đối tác châu Âu rằng không thể đảo ngược Brexit. Sự thật là trong giới lãnh đạo và công chúng châu Âu vẫn còn có người cho rằng có thể giúp đỡ người dân Anh thay đổi ý kiến về Brexit. Ngay cả khi điều khoản 50 đã được kích hoạt, nhiều luật sư của Liên minh châu Âu (EU) tin rằng vẫn có con đường pháp lý để Anh rút lại quyết định ra đi.
Thủ tướng Anh Theresa May rời phủ thủ tướng đến hạ viện hôm 19-4 Ảnh: REUTERS
Hồi tháng 3 qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí bày tỏ hy vọng Anh sẽ tái gia nhập EU. Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cũng từng mong Anh suy nghĩ lại. Tuy nhiên, nếu hạ viện ủng hộ tổ chức bầu cử sớm trong cuộc bỏ phiếu ngày 19-4 (giờ địa phương), kịch bản nước Anh thay đổi ý kiến về Brexit sẽ tan biến. Khi đó, kết quả sít sao của cuộc trưng cầu ý dân về Brexit sẽ được xác nhận trong một cuộc tổng tuyển cử toàn diện.
Bước đi trên của bà May diễn ra không lâu trước khi Pháp dự kiến tiến hành vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống trong ngày 23-4 - một sự kiện có thể tác động mạnh mẽ đến tương lai EU. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy sự khó lường của cuộc đua sắp tới. Hồi tháng trước, ứng viên độc lập Emmanuel Macron và nữ ứng viên Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu chiếm 2 vị trí đầu và ông Macron được dự báo sẽ dễ dàng chiến thắng trong vòng 2 ngày 7-5. Thế nhưng, chỉ trong vòng hai tuần qua, khoảng cách giữa họ và 2 ứng viên còn lại - Francois Fillon (Đảng Cộng hòa) và Jean-Luc Melenchon (được Đảng Cộng sản hậu thuẫn) - đã thu hẹp đáng kể.
Đồng euro bị đe dọa
Kết quả cuối cùng vẫn chưa có gì chắc chắn bởi khoảng 30% cử tri Pháp còn lưỡng lự. Một kịch bản có thể khiến EU mất ngủ là cả bà Le Pen và ông Melenchon đều lọt vào vòng 2. Dù có quan điểm chính trị đối lập nhưng hai nhân vật này từng tuyên bố sẽ xem xét việc bỏ sử dụng đồng euro, cũng như đều muốn tái thương lượng những điều khoản về tư cách thành viên EU của Pháp trước khi đưa vấn đề này ra trưng cầu ý dân. Theo trang Bloomberg, cuộc bầu cử tổng thống Pháp có điểm tương tự ở Mỹ: Một quốc gia lớn nhưng bị chia rẽ, đối mặt nhiều vấn đề kinh tế - xã hội trong lúc nhiều người dân vỡ mộng với giới chính khách. Ngoài ra, bà Le Pen có quan điểm chống nhập cư và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ như Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà cũng hứa làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại, tương tự cam kết của ông Trump khi tranh cử.
Trong khi đó, cuộc tổng tuyển cử ở Đức - dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới - sẽ là cuộc đối đầu giữa Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel và thủ lĩnh Đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz. May cho EU là cả hai đều cam kết tăng cường hội nhập với khối. Trái với Pháp, nước Đức không đối mặt viễn cảnh một nhân vật cấp tiến giành chiến thắng và thay đổi cơ bản hướng đi của đất nước.
Còn ở Ý, tình hình căng thẳng hơn khi các đảng ủng hộ rời khỏi khu vực đồng euro đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý. Theo kế hoạch, tổng tuyển cử ở Ý sẽ diễn ra vào ngày 23-5-2018. Tuy nhiên, 2 đảng lớn nhất nước - Đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Matteo Renzi và Đảng Phong trào 5 Sao - đều kêu gọi bầu cử sớm vào mùa hè năm nay.
NGÔ SINH
Đăng nhận xét