Cuộc đua vào Nhà Xanh lần này được cho là khó đoán định bởi nó diễn ra trong bối cảnh thời gian chuẩn bị và vận động tranh cử khá eo hẹp, chỉ trong 60 ngày, và chính trường Hàn Quốc vừa trải qua vụ bê bối “Choigate” khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye bị mất chức cũng như Xứ sở kim chi đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài.

Cử tri Hàn Quốc đang kỳ vọng người được chọn thay thế bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử ngày 9/5 tới có thể chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn bất ổn và chia rẽ xã hội sâu sắc hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế trì trệ cộng với những thiệt hại từ đòn trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, sự yếu kém của các tập đoàn kinh tế gia đình hàng đầu, mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng cùng những động thái cứng rắn từ các bên có nguy cơ đẩy Bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh…

Cùng với đó là khủng hoảng chính trị, chia rẽ bè phái và bất ổn liên quan tới tiến trình phế truất và xét xử bà Park Geun-hye, khi phe ủng hộ và phản đối cựu tổng thống cùng đồng loạt xuống đường.

Tất cả đang tạo ra những thách thức to lớn đối với bất kỳ ứng cử viên nào bước chân vào Nhà Xanh sau ngày 9/5, và phương hướng giải quyết những thách thức trên cũng chính là "thước đo" tác động tới lá phiếu của cử tri Hàn Quốc.

Việc có tới 15 ứng cử viên ra tranh cử trong một thời gian quá ngắn đang khiến đường đua tới Nhà Xanh trở nên gập ghềnh bởi khó ứng cử viên nào có đủ điều kiện chứng tỏ được sự vượt trội.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử lúc thì hé lộ một cuộc đua "song mã," khi lại dự báo khả năng "tam mã" cùng tiến. Những cái tên được nhắc tới nhiều nhất ở thời điểm hiện tại là ông Moon Jae-in, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ theo đường lối tự do, và ông Ahn Cheol-soo thuộc đảng Nhân dân theo đường lối trung tả. Hiện cả hai ứng cử viên này đều giành được sự ủng hộ cao của cử tri, từ 37%-44%.

Tuy nhiên, kết quả các cuộc bầu cử gần đây ở nhiều nước cũng cho thấy những con số thăm dò dư luận trước thềm bỏ phiếu không hẳn nói lên tất cả, và những ứng cử viên như ông Hong Joon-pyo của đảng Hàn Quốc Tự do (là đảng cầm quyền thời bà Park Geun-hye) theo đường lối bảo thủ hoàn toàn có thể gây bất ngờ.

Khi tình hình Bán đảo Triều Tiên đang sôi sục như lò lửa với những động thái phô trương sức mạnh quân sự của cả Mỹ và Triều Tiên, chủ đề nóng nhất trong cuộc bầu cử ở Hàn Quốc lần này nhiều khả năng sẽ là an ninh quốc gia, đi kèm với đó là THAAD của Mỹ.

Bảo đảm an ninh trong bối cảnh phải giải quyết vấn đề hạt nhân căng thẳng với Bình Nhưỡng và tranh cãi ngoại giao với Bắc Kinh liên quan tới THAAD, sẽ là bài toán thử khả năng của mỗi ứng cử viên.

Hiện, hai ứng cử viên hàng đầu Moon Jae-in và Ahn Cheol-soo đang thể hiện sự khác biệt khá lớn trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp ông Ahn Cheol-soo, vốn được xem là một chính trị gia tay ngang, từng là bác sỹ và là nhà phát triển phần mềm chống virus, bứt phá từ chỗ ít được biết đến trong giai đoạn đầu của cuộc đua thành một ứng cử viên hàng đầu, thậm chí có lúc còn vượt ông Moon Jae-in về tỷ lệ ủng hộ.

Ông Ahn Cheol-soo chủ trương thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên nhưng có kèm theo biện pháp trừng phạt nếu cần thiết. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Moon Jae-in, sinh ra trong một gia đình gốc Triều Tiên di cư sang Hàn Quốc từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, lại có quan điểm mềm mỏng hơn. Cựu luật sư nhân quyền này ủng hộ một giải pháp gồm hai bước để thống nhất bán đảo Triều Tiên, trước hết thông qua hợp nhất kinh tế.

Cả hai ứng cử viên trên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh vững chắc Mỹ-Hàn Quốc, song lại có sự khác biệt về mức độ.

Theo ông Ahn Cheol-soo, bất chấp những thay đổi trong chính quyền, Hàn Quốc vẫn cần tôn trọng các thỏa thuận đã ký với Mỹ.

Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc: Cuộc đua rất khó đoán định - Ảnh 1.

Ông Moon Jae-in, ứng cử viên của đảng Dân chủ theo đường lối tự do (trái) và ông Ahn Cheol-soo (phải), ứng cử viên của đảng Nhân dân theo đường lối trung tả. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Trong khi đó, ông Moon Jae-in lại cho rằng mối quan hệ Mỹ-Hàn phải được xây dựng trên nền tảng cân bằng hơn, thậm chí Hàn Quốc nên học cách nói "không” với Mỹ.

Ông cũng là một trong những người đầu tiên phản đối triển khai THAAD, dù trước sự ủng hộ tăng vọt dành cho đối thủ Ahn Cheol-soo, ông đã phải điều chỉnh quan điểm khi tuyên bố "sẽ là vô trách nhiệm nếu một tổng thống tương lai bác bỏ một thỏa thuận đã ký giữa hai chính phủ,” ám chỉ thỏa thuận về THAAD.

Những biến động lớn trên bán đảo Triều Tiên cũng đang đem lại lợi thế nhất định cho ứng cử viên Hong Joon-pyo, người ưu tiên cho vấn đề quốc phòng với tuyên bố nếu thắng cử sẽ tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc, tổ chức lại quân đội và đẩy nhanh hoàn tất việc triển khai THAAD) nhằm đối phó các mối đe dọa đang gia tăng từ phía Triều Tiên.

Về đối nội, các vụ bê bối trên chính trường Hàn Quốc thời gian qua làm chao đảo nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước và tác động tới kinh tế, khiến tất cả các ứng cử viên đều tập trung vào chủ đề chống tham nhũng và đưa ra nhiều biện pháp phục hồi tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Tuy nhiên, chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc sau vụ bà Park Geun-hye bị phế truất đang là yếu tố cản trở những nỗ lực thu hút cử tri của các ứng cử viên.

Dù ứng cử viên nào chiến thắng, thì việc ổn định chính trường, hàn gắn những chia rẽ, đoàn kết đất nước trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang hết sức căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Quyết định của cử tri Hàn Quốc sắp tới cũng sẽ tác động tới khả năng hạ nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và sự ổn định trên toàn khu vực./.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.