So với Công đoàn (CĐ) cơ sở khu vực nhà nước, CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự năng động, hiểu biết cũng như nhiệt tình của cán bộ CĐ mà nhiều đơn vị ngoài nhà nước hoạt động CĐ rất tốt; nhiều nơi, quyền lợi của người lao động (NLĐ) cao hơn so với luật định. Vấn đề này được bàn luận sôi nổi tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động CĐ và phong trào CNVC-LĐ khu vực ngoài nhà nước" do LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM tổ chức mới đây.

Khó trăm bề

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Anh Quốc - Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM - thẳng thắn nhìn nhận: "Đa số công nhân chưa qua đào tạo nên ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn thấp; tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là những công việc đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao, đôi khi chỉ đòi hỏi quyền lợi một chiều mà quên trách nhiệm, nghĩa vụ đối với doanh nghiệp (DN) và xã hội".

Xây dựng lòng tin với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Biết chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hoạt động Công đoàn của khách sạn ParkRoyal Saigon luôn được ban giám đốc ủng hộ

Bàn về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Thu Loan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận vận tải Đại Sơn, kể một câu chuyện tại công ty của mình. Bà Loan cho biết ngày nọ có một nhân viên nhắn tin cho phòng nhân sự xin nghỉ việc với lý do về quê. Và từ đó, anh ta không vào công ty nữa, anh đổi số điện thoại, dời nhà trọ. Khi tìm hiểu, công ty mới tá hỏa khi biết anh nhân viên này làm thiệt hại cho khách hàng, công ty phải đền bù cho khách số tiền hơn 2.000 USD. "Tôi phải nhờ bạn bè, đồng nghiệp nhắn anh nhân viên này vào cùng nhau giải quyết thiệt hại, làm đơn xin nghỉ việc và bàn giao cho đúng quy trình. NLĐ nghỉ ngang kiểu này quả thật làm khó cho DN" - bà Loan than phiền.

Ông Quốc còn cho biết một khó khăn không nhỏ hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động CĐ là một số cán bộ CĐ chưa thạo việc CĐ nhưng không có thời gian học tập, nghiên cứu văn bản nên không kịp thời triển khai nhiệm vụ. Họ không nắm bắt được thông tin, không giải thích được chế độ chính sách cho đoàn viên và NLĐ nên không thu hút được NLĐ gia nhập CĐ. Thêm vào đó, tình trạng thay đổi nhân sự tại CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước thường xuyên diễn ra làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động CĐ cơ sở. Một nguyên nhân quan trọng khác là một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành tốt các chính sách pháp luật, nhất là việc thực hiện các quy định về quy chế dân chủ ở cơ sở trong DN; trong ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xác định định mức lao động, xây dựng thang bảng lương, thực hiện chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn - vệ sinh lao động... Nhiều cán bộ CĐ cơ sở chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, chưa mạnh dạn đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết, dẫn đến tích tụ mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp lao động.

Chia sẻ với doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động CĐ tại đơn vị mình, ông Trương Đức Nghĩa, Chủ tịch CĐ khách sạn ParkRoyal Saigon kể: "Hoạt động CĐ tại đơn vị 100% vốn nước ngoài như khách sạn của tôi là cực kỳ khó khăn. Khi muốn tổ chức bất cứ hoạt động nào, giám đốc cũng hỏi có văn bản pháp luật hay không, vì thế tất cả văn bản đều được ban chấp hành CĐ dịch ra tiếng Anh. Một điều nữa là phải tạo được niềm tin với ban giám đốc, CĐ không chỉ biết đòi hỏi mà còn chia sẻ khó khăn với DN".

Hơn 10 năm trước, khi dịch SARS lan nhanh trên thế giới, việc kinh doanh du lịch, khách sạn vô cùng ế ẩm, nhiều khách sạn phải giảm nhân viên. Ban chấp hành CĐ khách sạn ParkRoyal Saigon đã đến gặp ban giám đốc để thương lượng cho nhân viên được nghỉ làm luân phiên và chấp nhận giảm lương với điều kiện đừng cho NLĐ nào nghỉ việc. "Sau sự việc ấy, ban giám đốc rất tin tưởng vào CĐ và hoàn toàn ủng hộ các hoạt động hay đề xuất của CĐ" - ông Nghĩa chia sẻ.

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Marc Moesohlin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bollore’ Logistics Việt Nam, cho biết: "Công ty có sự phát triển như ngày hôm nay là có phần đóng góp rất lớn của toàn thể nhân viên cũng như sự chung sức của CĐ cơ sở. Tất nhiên, cái gì có lợi cho NLĐ, tôi hoàn toàn ủng hộ". Minh chứng cho điều đó là công ty đã tổ chức cho toàn thể NLĐ họp mặt tại Đà Nẵng, Malaysia; tặng học bổng cho con nhân viên; tăng tiền ăn trưa từ 880.000 đồng/tháng lên 990.000 đồng/tháng; tổ chức tiệc trái cây mỗi tháng một lần... 

Ông TRẦN QUANG TRÍ, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH TM Tân Hoàng Gia:

Xây dựng mô hình "3 có, 3 không"

Để CĐ cơ sở hoạt động vững mạnh phải xây dựng được mô hình "3 có, 3 không". "3 có": có đội ngũ cán bộ CĐ nhiệt tình, trách nhiệm, có kiến thức quản lý, hiểu biết pháp luật; có kế hoạt động CĐ khoa học, sát với tình hình thực tế của DN; có quy chế và thực hiện tốt quy chế phối hợp với chính quyền. "3 không": không để NLĐ nào không được quan tâm, bảo vệ; không để xảy ra tranh chấp lao động tại DN; không có tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, không có công nhân nào vi phạm pháp luật.

Bài và ảnh: Hồng Đào

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.