Hiện nay, mạng xã hội đang phát triển nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Theo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội, với ứng dụng Zalo việc phát triển tiện ích “tìm quanh đây” giúp xác định những người cùng sử dụng ứng dụng này trong phạm vi bán kính 2km từ vị trí hiện tại của người dùng.
Tiện ích này có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để định vị vị trí, xác định thông tin cá nhân, giới tính…
Mạng xã hội Facebook phát triển với các tiện ích “Check in” , “gợi ý kết bạn”, “dòng thời gian” rất dễ để các đối tượng lợi dụng để khai thác thông tin, xác định vị trí, thông tin cá nhân, sở thích, sở trường, thói quen sinh hoạt, những nơi đã đến để hoạt động phạm tội.
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50, Công an TP Hà Nội cho biết, liên quan đến hành vi sử dụng VoIP giả danh cơ quan tư pháp Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án…
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng PC50 đã tiếp nhận 15 đơn của bị hại với số tiền chiếm đoạt trên 7,9 tỷ đồng. Đến ngày 30-5, PC50 đã làm rõ 1 vụ, 2 đối tượng chiếm đoạt 500 triệu đồng.
Theo đó, PC50 nhận được đơn trình báo của bị hại về việc bị nhóm đối tượng gọi điện giả danh nhân viên VNPT, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát gọi điện lừa đảo chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng.
Tiến hành khẩn trương xác lập chuyên án, PC50 đã làm rõ 2 đối tượng quê ở Thái Nguyên. Ngay sau đó, PC50 đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.
Về hành vi tự xưng là người nước ngoài kết bạn làm quen người Việt Nam qua mạng xã hội Facebook, Skype… giả gửi quà tặng sau đó giả làm nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp tiền phí để nhận quà rồi chiếm đoạt.
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, tình trạng này tiếp tục tái diễn, trong những tháng đầu năm 2017, PC50 đã tiếp nhận 10 đơn trình báo với thiệt hại 1 tỷ 565 triệu đồng và 121.800USD.
Đối với hành vi hack tài khoản Facebook người thân nhờ mua thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản. Phòng PC50 đã tiếp nhận 1 đơn trình báo của bị hại.
Đáng chú ý, ngày 7-4, Phòng PC50 đã đấu tranh làm rõ vụ việc 2 đối tượng Nguyễn Minh Vũ (27 tuổi) và Nguyễn Đăng Trường (20 tuổi), cùng trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị có hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển Facebook sau đó mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đến danh sách bạn bè nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt 96 triệu đồng.
Hiện PC50 đã chuyển hồ sơ và đối tượng đến Công an thị xã Quảng Trị xử lý theo thẩm quyền. Riêng thủ đoạn nhắn tin giả chương trình khuyến mãi nạp thẻ của các nhà mạng, tăng gấp nhiều lần so với giá trị nạp thẻ, các đối tượng lừa bị hại nạp thẻ sau đó chiếm đoạt. Phòng PC50 đã tiếp nhận 6 đơn trình báo với thiệt hại 262 triệu đồng, đã đấu tranh làm rõ 4 vụ, 4 đối tượng.
Ngoài ra, thủ đoạn nhắn tin thông báo trúng thưởng qua Facebook, Zalo lừa bị hại nộp phí nhận thưởng để chiếm đoạt.
Phòng PC50 tiếp nhận 10 đơn với thiệt hại 403 triệu đồng, đã đấu tranh làm rõ 12 vụ, 26 đối tượng với số tiền chiếm hưởng trái phép trên 400 triệu đồng.
Làm quen qua Facebook giả gửi quà, chiếm đoạt tài sản. Phòng PC50 đã khám phá ổ nhóm 4 đối tượng Trần Việt Hùng 35 tuổi), Lê Thị Mai Phương (35 tuổi), cùng trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh; Lê Văn Nhóc (22 tuổi), trú tại tỉnh Bình Dương; Hồ Văn Tiệp (22 tuổi), trú tại tỉnh Bình Dương đã có hành vi kết bạn, làm quen qua mạng xã hội Facebook, giả gửi quà tặng có giá trị sau đó giả làm nhân viên sân bay yêu cầu nộp lệ phí chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo Thượng tá Hà Thị Hằng, thủ đoạn giả danh nhà mạng thông báo khuyến mãi dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng vẫn còn không ít người dân vì nhẹ dạ vẫn mắc bẫy.
Thủ đoạn của các đối tượng thường gửi tin nhắn rác qua mạng xã hội Facebook, Garena và Zalo với nội dung thông báo trúng thưởng kèm đường dẫn cho người dùng truy cập vào các website mạo danh các chương trình trao thưởng của các nhãn hiệu Honda, Piaggo nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng mua tên miền, code, hosting (máy chủ ảo vận hành website) từ một số cá nhân rao bán trên mạng internet; gửi các thông tin email, hình ảnh, nội dung web (số điện thoại đối tượng dùng làm “tổng đài” nhận liên lạc từ người bị hại truy cập vào website, nội dung chương trình trúng thưởng…) cho người bán và thanh toán bằng thẻ cào điện thoại. Sau đó, người bán sẽ tự thiết lập các nội dung theo như yêu cầu, tải code lên hosting để vận hành website.
Để thu hút, dụ dỗ người dùng truy cập vào website lừa đảo trúng thưởng của mình nhằm chiếm đoạt tài sản, các đối tượng gửi spam hàng loạt tin nhắn với nội dung thông báo chương trình trúng thưởng, yêu cầu người dùng truy cập và điền đầy đủ thông tin vào website này, các thông tin cá nhân của người sử dụng tự động được lưu tại email của đối tượng.
Liên hệ theo số đăng tải tải trên website, các đối tượng tự giới thiệu mình là nhân viên chăm sóc khách hàng của chương trình trúng thưởng để yêu cầu người dùng thực hiện việc nộp lệ phí làm hồ sơ, thuế để nhận giải thưởng.
Trong quá trình này, nếu như người dùng không chấp nhận thực hiện theo yêu cầu hoặc thực hiện hết toàn bộ các yêu cầu thì các đối tượng hứa hẹn sẽ đảm bảo thực hiện đúng cam kết của chương trình về việc trao thưởng đầy đủ.
Nhưng thực chất là các đối tượng không có xe máy, tiền, phiếu xăng và không có khả năng để trao giải. Sau một thời gian các đối tượng liền bẻ sim, vứt điện thoại đã liên lạc nhằm trốn tránh sự truy lùng khi nạn nhân trình báo cơ quan Công an.
Cơ quan Công an khuyến cáo, hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như: Ngày sinh số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, gia đình, cơ quan… lên mạng xã hội tranh việc bị các đối tượng lợi dụng.
Khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi… cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo.
Không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận việc khó khăn tránh bị các đối tượng lừa đảo.
Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Các cơ quan Nhà nước không tiến hành làm việc, thu giữ qua điện thoại, việc tạm giữ tài sản, đồ vật luôn được lập biên bản theo quy định.
Đăng nhận xét