Miễn tiền sử dụng đất với dự án nhà ở, cơ chế tài chính đặc thù với Tp.HCM, tăng mức phí khám chữa bệnh, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội…là những chính sách, quy định mới sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2017.
Miễn tiền sử dụng đất nhiều dự án nhà ở
Nghị định 35/2017 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 20/6 quy định: miễn tiền sử dụng đất đối với dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong khu kinh tế để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ đời sống cho người lao động theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian miễn tiền thuê đất là thời gian xây dựng cơ bản, tối đa là 3 năm từ ngày có quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; sau thời gian này, miễn thêm từ 11 - 19 năm, tùy từng loại dự án đầu tư.
Đặc biệt, nghị định không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước với dự án khai thác tài nguyên khoáng sản.
Cơ chế tài chính đặc thù với Tp.HCM
Nghị định 48/2017 của Chính phủ về việc quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, có hiệu lực thi hành từ 10/6 nêu rõ: khi Tp.HCM triển khai các công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Tp.HCM sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện.
Để sử dụng hiệu quả quỹ đất của thành phố, UBND Tp.HCM được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.
Về việc vay vốn đầu tư phát triển, Tp.HCM được vay vốn đầu tư trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...
Tăng phí khám chữa bệnh
Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/6 quy định, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế.
Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp.
Theo đó, mức giá khám bệnh được quy định từ 29.000 đến 39.000 đồng theo từng hạng bệnh viện từ trạm y tế xã đến bệnh viện hạng đặc biệt .
Mức giá ngày giường bệnh theo quy định mới cũng được nâng lên khá cao từ 54.000 đến 362.800 đồng. Một số thủ thuật, xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng giá 20%-30% so với mức giá hiện hành.
Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội
Nghị định 44/2017 quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6 quy định: Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (trừ đối tượng là người giúp việc) gồm:
Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên lương cơ sở đối với người lao động gồm: Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí).
Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một đến dưới ba tháng sẽ thực hiện quy định trên kể từ ngày 1/1/2018.
Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa
Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/6, quy định: Việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020.
Như vậy, việc bắt buộc buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa theo lộ trình như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ.
Thông tư này cũng quy định, người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng: Từ 3 tháng đến dưới 1 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe; Từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.
Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
Ngoài ra, một số quy định về rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, về bảo vệ thông tin cá nhân trẻ em…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2017.
Trong đó, đáng chú ý là Luật Trẻ em số có hiệu lực từ ngày 1/6 nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bảng điểm, hình ảnh của trẻ em lên mạng mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ.
Đăng nhận xét