Mặt đường bị xé toạc, xuất hiện các vết nứt lớn kéo dài hàng chục mét là hình ảnh phóng viên ghi nhận tại đoạn cuối hẻm 1740 vào chiều 31-5.
Vết nứt kéo dài theo rạch Tôm, có đoạn hở rộng hơn 10 cm và đang có nguy cơ tiếp tục lan qua khu vực xung quanh.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, ngụ số 1740/37, kể mặt đường trước nhà chị bắt đầu xuất hiện tình trạng nứt nhẹ vào sáng 30-5 nhưng sau đó nhanh chóng lan rộng.
Sau cơn mưa lớn đổ xuống vào chiều cùng ngày, phạm vi vết nứt càng lớn hơn và hở rộng, phía dưới khoét hàm ếch nham nhở.
Chị Hiền cho biết chính quyền địa phương sau đó đã đến kiểm tra và lên phương án di dời một số hộ dân ở khu vực này nhằm đảm bảo an toàn trước khi khắc phục. Tuy nhiên, gia đình chị chưa nhận được thông tin này nên vẫn đang thấp thỏm lo.
Trong khi đó, chị Trần Kim Hương (ngụ sát nhà chị Hiền) cho biết gia đình chị đã phải sơ tán từ đêm qua do sợ bị sạt lở.
"Tôi cùng chồng đi làm ban đêm nên phải gửi 2 đứa nhỏ đến nhà người thân từ đêm qua.
Chính quyền địa phương có thông tin di dời gia đình tôi cùng một số hộ khác đến một truòng học gần trụ sở UBND xã Nhơn Đức nhưng do khá đột ngột nên cảm thấy bất tiện và không an tâm.
Chỉ mong đoạn bờ rạch nhanh chóng được khắc phục để sinh sống ổn định trở lại" - chị Hương nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 31-5, chính quyền địa phương đã đến hiện trường làm rào chắn quanh đoạn mặt đường bị nứt để hạn chế các phương tiện qua lại.
Khu Quản lý đường thuỷ nội địa - Sở GTVT TP cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan đến khảo sát, cắm mốc cảnh báo nguy hiểm trước khi lên phương án khắc phục triệt để.
Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa, nếu sạt lở xảy ra sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hạ tầng và các hộ dân đang sinh sống tại khu vực.
Cụ thể diện tích ảnh hưởng khoảng 500 – 600 m2, với 7 đến 8 căn nhà bị ảnh hưởng; ngoài ra còn có phần mặt đường, 2 trụ điện, hệ thống cấp nước và 1 cầu dân sinh ở phía cuối hẻm.
Khu cũng đã đề nghị UBND xã Nhơn Đức và huyện Nhà Bè vận động người dân di dời tài sản và bố trí nơi tạm trú an toàn cho các hộ sống trong nguy cơ sạt lở; báo cáo lên Sở GTVT để tìm phương án xử lý.
Trước mắt, Sở GTVT sẽ chủ trì việc phối hợp với các đơn vị có liên quan để kiểm tra thực tế, đánh giá tổng thể về nguy cơ sạt lở để có giải pháp đói phó; lắp đặt biển báo hiệu khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở.
Về lâu dài, Khu Quản lý đường thủy nội địa kiến nghị Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương cho tạm ứng 300 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để Khu Quản lý đường thủy nội địa thực hiện ngay công tác chuẩn bị đầu tư, để đảm bảo sớm khởi công xây dựng công trình nhằm ngăn chặn kịp thời hiện tượng sạt lở tại khu vực, sớm ổn đinh đời sống của người dân; song song đó, Khu sẽ thực hiện các nội dung có liên quan để hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Một số hình ảnh tại hiện trường
Đăng nhận xét