Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân?
Cụ thể, những hình ảnh vệ tinh chụp hôm 25-4 dường như cho thấy công nhân bơm nước ra khỏi một đường hầm, nơi được cho là đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân tiếp theo.
Cũng theo trang 38 North, Triều Tiên có thể đang mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thông qua sự hiện diện của sà lan thử ngầm thứ hai. Theo những hình ảnh vệ tinh chụp ngày 19-4, sà lan mới này được phát hiện ở xưởng đóng tàu hải quân Nampo ở bờ biển phía Tây, có kích thước tương tự sà lan tại xưởng đóng tàu Nam Sinpo ở bờ biển phía Đông. Sà lan đầu tiên được cho là nơi tiến hành 4-6 vụ thử tên lửa Pukguksong-1. “Những sà lan loại này được các lực lượng hải quân sử dụng để thực hiện những thử nghiệm dưới nước đối với hệ thống ống phóng tên lửa tàu ngầm mới và được chỉnh sửa cũng như để phóng thử tên lửa ban đầu trước khi những hệ thống này được lắp đặt trên tàu ngầm” - ông Joseph S. Bermudez Jr, chuyên gia về Triều Tiên, giải thích với tạp chí Newsweek. Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng tự đóng sà lan mới hay mua của nước khác.
Mỹ đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên Ảnh: Reuters
Thông tin trên khiến cộng đồng quốc tế thêm lo ngại về chương trình tên lửa của Triều Tiên dù những vụ phóng thử gần đây của nước này bị đánh giá là thất bại. Trong vụ thử mới nhất ngày 29-4, tên lửa đạn đạo bị nổ trên lãnh thổ Triều Tiên không lâu sau khi phóng. Dù vậy, tờ Seoul Economy Daily (Hàn Quốc) ngày 2-5 tiết lộ tên lửa này bay được 48 km thì bị Bình Nhưỡng chủ động kích nổ vì lo nó vô tình bay sang Nga. Vụ phóng thử này cũng đặt lực lượng phòng không Nga ở khu vực Viễn Đông trong tình trạng báo động cao.
Mỹ lập liên minh quốc tế
Tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng chỉ ra mối đe dọa tiềm tàng từ những vụ phóng tên lửa bị xem là thất bại của Triều Tiên. Nguy cơ ở đây là Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng sử dụng một vụ nổ hạt nhân trên cao để phát ra xung điện từ (EMP) đủ mạnh để đáp trả các động thái quân sự mới nhất của Mỹ. Với Nhật, một vụ tấn công EMP như thế gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng như vô hiệu hóa hệ thống cảnh báo J-Alert, người dân không thể xem tivi, nghe đài hoặc truy cập internet, hệ thống tài chính và hoạt động sản xuất tại các nhà máy bị đình trệ…
Dĩ nhiên là Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản không ngồi yên. Song song với việc đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, Mỹ vào đầu tuần này đưa máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản trong sứ mệnh kéo dài 5 tháng. Đài NHK cho biết máy bay này dự kiến được sử dụng để giám sát những động thái của Triều Tiên, trong đó có các vụ phóng tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, quân đội Mỹ hôm 2-5 thông báo tàu ngầm tấn công Cheyenne của họ đã đến căn cứ hải quân Sasebo trên đảo Kyushu - Nhật Bản.
Trên mặt trận ngoại giao, theo tờ Nikkei, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường lập một liên minh quốc tế để cô lập Triều Tiên thông qua cuộc điện đàm với một loạt nhà lãnh đạo ở châu Á. Chưa hết, hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mỹ - ASEAN dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng ngày 4-5 với vấn đề Triều Tiên là một trong những nội dung thảo luận chính. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo những động thái quân sự, ngoại giao nói trên chưa đủ để đối phó một vụ tấn công bằng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, nếu có. Ông Sean Kennedy, nhà nghiên cứu tại Viện Lexington (Mỹ), chỉ ra rằng cách duy nhất để chặn được tên lửa này đến được lục địa Mỹ là thiết lập hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) - một động thái cần sự ra tay của cả quốc hội và Nhà Trắng.
Hoàng Phương
Đăng nhận xét