Khi nguồn tài nguyên khoáng sản trên Trái Đất đang ngày cạn kiệt, các nhà khoa học bắt đầu nghĩ đến kế hoạch điên rồ: Khai thác khoáng sản ngoài vũ trụ.
Theo các chuyên gia, lợi nhuận của việc khai thác khoáng sản vũ trụ trên tiểu hành tinh, thiên thạch vô cùng hấp dẫn. Theo đó, chỉ tính riêng tiềm năng kinh tế của thiên thạch 241 Germania (nằm trong Hệ Mặt trời) đã lên tới 95.000 tỷ USD!
Trung Quốc không nằm ngoài những quốc gia "nuôi mộng" làm giàu từ vũ trụ
Cho đến nay, chỉ có NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Nhật Bản đang ngày đêm chinh phục các tiểu hành tinh, thiên thạch trong vũ trụ để nuôi mộng làm giàu.
Phát biểu trên tờ China Daily, kỹ sư không gian Ye Peijian thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) tiết lộ tham vọng kiếm hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc bằng cách xây dựng căn cứ trên các tiêu hành tinh, thiên thạch trong Hệ Mặt trời và vũ trụ xa xôi để khai thác triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản chưa từng có trên thế giới.
"Trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ tìm cách đưa robot hoặc các phi hành gia tới những thiên thạch tiềm năng để khai thác triệt để nguồn tài nguyên vô giá của vũ trụ. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ sử dụng chính các nguyên vật liệu tại thiên thạch đó để xây dựng những nhà máy, căn cứ nhằm tập trung cho việc khai thác nguồn kim loại quý có thể trị giá hàng nghìn tỷ USD trên quy mô lớn hơn nữa.
Để làm được điều này, các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc phải phát triển một số công nghệ và thiết bị đặc biệt để thực hiện những cuộc thám hiểm tiểu hành tinh, thiên thạch như công nghệ điện năng lâu bền, hệ thống định vị và thiết bị lấy mẫu từ xa."
Website Asterank chuyên đánh giá mức độ kinh tế tiềm năng của hơn 600.000 tiểu hành tinh, thiên thạch trong Hệ Mặt trời do Cục địa chất Mỹ và NASA xây dựng đã đưa ra top 5 "thị trường nghìn tỷ" tiền năng để con người trên Trái Đất nhắm tới, bao gồm:
* 162385 (2000 BM19) - Tiềm năng khoáng sản quy về USD: 6, 94 nghìn tỷ USD
* 4034 Vishnu - Tiềm năng khoáng sản quy về USD: 5,28 nghìn tỷ USD
* 65679 (1989 UQ) - Tiềm năng khoáng sản quy về USD: 1,74 nghìn tỷ USD
* 5143 Heracles (1991 VL) - Tiềm năng khoáng sản quy về USD: 2,33 nghìn tỷ USD
* 7753 (1988 XB) - Tiềm năng khoáng sản quy về USD: 1,31 nghìn tỷ USD
Trong bản báo cáo về hoạt động không gian của Trung Quốc công bố vào tháng 12/2016, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, từ năm 2017 đến năm 2021, cơ quan này sẽ tiến hành nghiên cứu công nghệ chủ chốt nhằm thăm dò sao Mộc và các tiểu hành tinh.
Kế hoạch thu triệu tỷ USD từ vũ trụ của NASA
Trong bối cảnh liên quan, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, cơ quan cũng đánh giá cao tiềm năng của những khoáng sản vũ trụ tại các tiểu hành tinh.
Hồi tháng 1 năm 2017, NASA công bố kế hoạch chinh phục 16 Psyche, một trong những "thị trường béo bở nhất" trong Hệ Mặt trời.
16 Psyche, một trong những "thị trường béo bở nhất" trong Hệ Mặt trời. Ảnh: Astronaut.
16 Psyche là một tiểu hành tinh nằm trong vành đai tiểu hành tinh lớn giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tiểu hành tinh dài 200km chứa vô số kim loại quý giá như sắt, niken và một số kim loại hiếm khác, bao gồm vàng, bạch kim và đồng.
Nếu tiểu hành tinh này được vận chuyển vể Trái Đất, tiềm năng kinh tế mà nó mang lại trị giá 10.000 triệu tỷ USD!
Để dễ hình dung, số tiền trong 1 năm trên thế giới chỉ từ 60.000 đến 75.000 tỷ USD.
Nếu tiểu hành tinh này được vận chuyển vể Trái Đất, tiềm năng kinh tế mà nó mang lại trị giá 10.000 triệu tỷ USD! Ảnh: PerfScience.
Xu Weibiao, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm thuộc Viện Khoa học Hành tinh Trung Quốc, cho biết: "Cho đến nay, con người đã khám phá ra tổng cộng 157 vật thể nguy hiểm trong không gian với đường kính ít nhất là 1.000 mét, có khả năng hủy diệt toàn bộ nền văn minh trên Trái Đất nếu lao vào hành tinh chúng ta.
Nghiên cứu các tiểu hành tinh, thiên thạch có thể vừa giúp Trái Đất thoát khỏi thảm họa diệt vong; vừa tạo cơ hội khai thác "mỏ trời" vô giá cũng như giúp con người khám phá nguồn gốc, sự tiến hóa của Hệ Mặt trời và khả năng sự sống tồn tại ngoài không gian."
Dịch từ: NASA, Dailymail, China Daily
Đăng nhận xét