Tại buổi tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà", ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết ông quyết định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sau khi xem công bố quy hoạch bán đảo Sơn Trà vào tháng 12-2016 với đoạn trình chiếu cuối cùng tràn ngập hình ảnh khách sạn trên bán đảo.

Lá phổi ung thư thì thở bằng gì?

Sau một tuần, ông Vinh thấy người ta bắt đầu phá rừng và đào xới Sơn Trà. Nếu tốc độ đào xới nhanh, chẳng mấy chốc sẽ mất Sơn Trà, "vì thế chúng tôi mạnh dạn đưa vấn đề này lên Thủ tướng. Sơn Trà là lá phổi xanh của Đà Nẵng, mỗi ngày cung cấp lượng ôxy cho 4,2 triệu người, nếu làm lá phổi ung thư thì chúng ta sẽ thở bằng gì?" - ông Vinh nói.

Sơn Trà: Bảo tồn đối đầu phát triển - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, lẻ loi tại buổi tọa đàm Ảnh: NGỌC THỊNH

Theo ông Vinh, nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ hoang dã quý hiếm bên cạnh một TP hiện đại của Đà Nẵng thì đó là một điểm đến độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và Việt Nam, làm tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, tăng kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nói chung chứ không phải một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của. Ông Vinh khẳng định không chọn bao nhiêu phòng mà chọn giữ Sơn Trà, bảo vệ nguyên trạng vẻ tự nhiên cho con cháu và ông sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ Sơn Trà.

PGS Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch, khẳng định số phòng khách sạn cần dựa vào các dự báo đến năm 2030. Tuy nhiên, xây dựng khách sạn ảnh hưởng đến loài voọc hay không phải tính toán từng dự án, nếu tác động thì phải loại bỏ.

Phát triển phải đi đôi với bảo tồn

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đề nghị cần nhìn nhận khách quan, khoa học, bình tĩnh để xem xét vấn đề này.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng cần khai thác du lịch bán đảo Sơn Trà thay vì giữ nguyên như hiện nay. Đồng tình với quan điểm của ông Vinh, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho hay bãi biển từ Móng Cái, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đều bị các dự án can thiệp và làm thay đổi cảnh quan. Rất nhiều chính quyền lệ thuộc vào nhà đầu tư, thái độ quản lý không rõ ràng. Đất nước thay đổi hình dạng cũng vì điều đó. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên trạng Sơn Trà và cấm không cho khai thác là không ổn. Phải phát triển nhưng không được can thiệp thô bạo bởi thực tế, nhiều dự án nghỉ dưỡng tuyệt vời mà không cần chặt cây.

"Để Sơn Trà phát triển đúng định hướng, cần có những người quản lý tốt và nhà đầu tư thông minh" - ông Vạn nhấn mạnh.

Sơn Trà: Bảo tồn đối đầu phát triển - Ảnh 2.

Công trình 40 móng biệt thự trên bán đảo Sơn Trà Ảnh: BÍCH VÂN

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề nghị cần đặt dự án vào chỗ nào và làm như thế nào để không ảnh hưởng môi trường cảnh quan. Do đó, cần ban hành các quy định chặt chẽ về môi trường để nhà đầu tư tuân thủ. Hiện các quy định đã ban hành song không có người giám sát.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã phê duyệt cấp phép cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư du lịch quy mô 5.049 phòng. Trong khi đó, bản quy hoạch mới lại khống chế xây dựng chỉ 1.600 phòng tại bán đảo Sơn Trà. Ông Vũ Thế Bình cho rằng việc bản quy hoạch mới giảm số phòng khách sạn từ hơn 5.000 còn 1.600 là rất dũng cảm. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm, đúng số phòng thì cần kiểm soát chặt chẽ.

Kiến nghị chưa phù hợp nhu cầu?

Cùng ngày diễn ra buổi tọa đàm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

UBND TP Đà Nẵng cho biết đến năm 2012, UBND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án ở Sơn Trà, trong đó có 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác (bao gồm quốc phòng, an ninh, cơ sở tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật...). Hiện tại có 11 dự án du lịch đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 344 ha, có 3 dự án đã đầu tư và đưa vào hoạt động với tổng số phòng là 253 phòng.

UBND TP Đà Nẵng nêu rõ năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng là 575 cơ sở với 21.324 buồng phòng, đón được gần 2,6 triệu lượt khách, đạt công suất buồng phòng khoảng 50%. Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm đến năm 2030 theo công suất buồng, TP Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng.

Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc ông Huỳnh Tấn Vinh kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, không xây thêm các cơ sở lưu trú là chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng cho phép UBND TP rà soát và làm việc với các nhà đầu tư. Theo ông Tuấn, đây chỉ mới là chủ trương của UBND TP còn nội dung làm việc TP Đà Nẵng sẽ công bố rộng rãi trên báo chí khi nghiên cứu lại các nội dung liên quan. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch HUỲNH VĨNH ÁI:

Khó xử lý các dự án

Kiến nghị về việc giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà có nhiều quan điểm khác nhau cần phải xem xét thấu đáo. Nếu thực hiện theo ý kiến này, việc xử lý đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư tại Sơn Trà như thế nào? Phải chăng buộc phá dỡ toàn bộ các công trình đang xây dựng dở dang và hủy bỏ tất cả dự án được phê duyệt nhưng chưa triển khai?

Ông HUỲNH TẤN VINH, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng:

Dàn đồng ca của Tổng cục Du lịch

Buổi tọa đàm là sự hổ thẹn cho điều mà mọi người nghĩ là cầu thị và khoa học. Tọa đàm chỉ cho phép Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cử duy nhất đại diện tham dự. Các nhà khoa học thuộc 3 tổ chức đã gửi thư kiến nghị về Sơn Trà (Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và nhóm nghiên cứu - giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc ĐH Đà Nẵng - PV) cũng là những đơn vị đã tổ chức tọa đàm về Sơn Trà ở Đà Nẵng, đã không nhận được thư mời. Phần lớn khách mời được chọn lọc bởi Tổng cục Du lịch. Phần lớn các đại biểu phát biểu là từ những người xây dựng, tư vấn cho bản quy hoạch đó. Như vậy, tỉ lệ đa số là dàn đồng ca của Tổng cục Du lịch.

Từ trung tâm Đà Nẵng đến Sơn Trà chỉ mất khoảng 15 phút đi xe, khách du lịch có thể dễ dàng đến Sơn Trà khi ở bất cứ khách sạn nào ở Đà Nẵng. Thế tại sao không xây thêm khách sạn ở chỗ khác mà phải nhất thiết xây ở Sơn Trà, trong khi đó là chỗ cần được bảo tồn?

LÊ THỊ TRANG, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh:

Tôi rất bất ngờ!

Khi nói cuộc họp này có sự cầu thị và lắng nghe mà cả 3 đơn vị đều không được mời thì chúng tôi rất bất ngờ. Chúng tôi là những người nghiên cứu sâu về khoa học và có cả tiến sĩ về sinh thái học nhưng cũng không được mời. Tôi hy vọng sẽ tổ chức nhiều hội thảo nữa ở Sơn Trà và sẽ mời nhiều nhà khoa học để có sự phản biện cụ thể, chứ nếu khép kín thì cũng giống "đóng cửa bảo nhau", không mang lại kết quả gì.

Ông TRẦN HỮU VỸ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh:

Nên tổ chức hội thảo mở

Nếu được mời, tôi sẵn sàng bỏ tiền túi để ra Hà Nội tham dự vì tôi quan tâm và muốn dự tọa đàm này. Không ai hiểu Sơn Trà như người Đà Nẵng. Họ nói phát triển du lịch sinh thái mà không hiểu bản chất của loại hình du lịch này. Điều quan trọng của phát triển sinh thái ở Sơn Trà là nhất thiết phải bảo tồn và phát triển hệ sinh thái của bán đảo này. Phải giữ nguyên hiện trạng vì bản thân nó đã có giá trị du lịch sinh thái rồi. Không để nó hoang vu mà thiết lập tour, tuyến, điểm, trạm dừng để học tập, tham quan và bán vé.

YẾN ANH - BÍCH VÂN

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.