Sau loạt phim truyền hình Việt hóa thất bại vì giống hệt bản gốc, khán giả Việt cũng được thưởng thức tác phẩm ấn tượng "Người phán xử". Phim được làm lại từ kịch bản "The Abitrator" của Israel nhưng được Việt hóa tốt, tạo câu chuyện thuần Việt.
Thành công như mong đợi
"Người phán xử" thu hút hơn 7.000 lượt like (thích) trên fanpage mỗi bài đăng với hàng ngàn lượt bình luận. Bằng tình tiết hấp dẫn xoay quanh gia đình ông trùm xã hội đen Phan Quân và các hoạt động phi pháp của Công ty Phan Thị do gia đình Phan Quân và tay chân thân tín của Phan Quân điều hành cộng thêm diễn xuất ấn tượng của các diễn viên, phim được khán giả mong chờ từng ngày. Nhiều người trong giới nhận định để có được phim Việt hóa thành công như thế không dễ, ngoài kịch bản tốt còn cần đạo diễn giỏi.
Biên kịch Nguyễn Trung Dũng chia sẻ về quá trình Việt hóa phim "Người phán xử": "Tôi Việt hóa 25 tập đầu của phim đến 6 tháng. Việt hóa phim này rất khó vì sự khác biệt giữa văn hóa Do Thái và Việt Nam. Phía họ tôn trọng gia đình, lời hứa có giá trị cao nên đôi lúc một câu nói cũng có thể giải quyết toàn bộ vấn đề nhưng áp dụng vào Việt Nam thì không được vì yếu tố trọng lời hứa có vẻ xa vời. Các yếu tố bạo lực, tham nhũng, tình dục... của kịch bản gốc rất thoáng nhưng khi Việt hóa thì phải làm khác đi". Nguyễn Trung Dũng cho biết thêm câu thoại trong phim đa phần phải giữ lại nên có đôi chỗ hơi gượng ép. Để Việt hóa chân thật, anh đưa tình tiết vụ án Năm Cam vào phim vì Năm Cam là một ông trùm có vỏ bọc doanh nhân, tương đồng với nhân vật gốc nhưng là câu chuyện xã hội Việt Nam. Ngoài đọc tài liệu, anh còn gặp gỡ các nhà báo kỳ cựu từng viết chuyên án Năm Cam để thu thập thông tin. Biên kịch Bùi Khánh, người tiếp nối Trung Dũng làm phần còn lại, chia sẻ: "Tôi mất 11 tháng để hoàn tất phần kịch bản còn lại, cố giữ cái hay của kịch bản gốc nhưng cũng thêm tình tiết cho phù hợp với con người, luật pháp Việt Nam. Nhiều người nghĩ Việt hóa dễ vì có sẵn đường dây kịch bản nhưng bắt tay làm sẽ thấy khó bởi không được phá đi xây lại toàn bộ mà cũng chẳng thể sao chép".
Một cảnh trong phim “Người phán xử”, phim Việt hóa được đánh giá thành công hiện nay. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Ở mảng phim điện ảnh, nhiều phim Việt hóa thành công, đạt doanh thu cao. Cụ thể, phim "Yêu" của đạo diễn Việt Max làm lại từ phim Thái Lan "The love of Siam" (đoạt Giải Mai Vàng 2015 Phim được yêu thích nhất), phim "Em là bà nội của anh" làm lại từ phim "Miss Granny", phim "Bạn gái tôi là sếp" làm lại từ phim "ATM: Er Rak Error" đều bội thu. "Nhà sản xuất nhắm vào yếu tố lợi nhuận khi mua kịch bản ngoại về làm lại. Hiện tại, kịch bản nội địa do đội ngũ biên kịch Việt Nam viết có giá 7-10 triệu đồng/tập, tốt nhất cũng 12-15 triệu đồng/tập mà không biết khi thành phim, khán giả có đón nhận hay không. Trong khi đó, nhiều phim Việt hóa thành công về mặt doanh thu nên xu hướng hiện nay là các nhà sản xuất chọn giải pháp mua kịch bản ngoại. Thực tế, chúng ta thiếu kịch bản hay trầm trọng, đề tài hạn hẹp, lặp đi lặp lại, không mới mẻ" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
Lo thiếu bản sắc
Nhiều người trong giới nhận định ở góc độ kinh doanh, phim điện ảnh, truyền hình Việt hóa thu hút công chúng là tín hiệu tốt. Các thành công trên chứng tỏ đội ngũ sản xuất phim Việt có trình độ làm phim không thua kém so với mặt bằng chung trong khu vực, nếu có kịch bản hay, họ cũng sản xuất được phim hay tương xứng.
Bên cạnh niềm vui đó, thực trạng phim làm lại phát triển ẩn chứa nỗi lo lớn cho tương lai phim Việt. Bởi nền điện ảnh chẳng thể phát triển bền vững nếu các nhà sản xuất chỉ chăm chăm săn lùng kịch bản ngoại làm lại để đạt doanh thu cao. Điều này khiến đội ngũ biên kịch trong nước vốn ít, yếu kém ngày càng thu hẹp và không phát triển tay nghề, quan trọng hơn là tạo ra nền điện ảnh thiếu bản sắc. "Phim Việt hóa bán vé được, nhà làm phim vui mừng đổ xô làm nhưng về lâu dài không có lợi vì nó khiến sự phát triển của điện ảnh dân tộc bị thui chột, giới biên kịch Việt không phát triển được, dần thoái trào. Dù nỗ lực Việt hóa nhưng với những quy định thỏa thuận theo ý phía nắm bản quyền từ đường dây cho đến thoại, các chất liệu văn hóa dân tộc khó được đưa vào phim một cách trọn vẹn" - PGS-TS Trần Luân Kim nhận định.
Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cho biết: "Hầu hết nhà sản xuất ngoại không muốn phim của họ bị phiên bản phá hỏng nên luôn kèm theo các yêu cầu nhất định khi được mua bản quyền. Các yếu tố ẩm thực, cách sống bản gốc khó lòng thay đổi trọn vẹn mà vẫn ẩn đâu đó trong lời thoại, hành động nhân vật. Nếu chúng ta không thận trọng, tôi lo ngại giới trẻ Việt sau này có thể không có thói quen sinh hoạt giống người Việt lâu nay mà là cách sống của người Hàn, Thái, Nhật...".
Khi được hỏi về giải pháp giải quyết thực trạng thiếu kịch bản hay, PGS-TS Trần Luân Kim cho rằng nên tăng dần vị thế biên kịch trong nước. Nhà sản xuất tăng thù lao, các cơ quan quản lý ngành như Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh... hỗ trợ bằng cách dùng kinh phí tổ chức đào tạo, trải nghiệm thực tế có thu hoạch tác phẩm, để biên kịch mở rộng vốn sống... Những việc này theo sự chuyển động tự nhiên của thị trường sẽ kích thích người sáng tác hăng hái cho ra tác phẩm tốt và dần dần dẫn đến sự thay đổi chung.
Tràn ngập
Các nhà sản xuất Việt đổ xô săn lùng kịch bản phim ăn khách từ Hàn Quốc, Thái Lan... về làm lại (remake), từ giữa cuối năm 2016 đến nay. Trào lưu này bùng phát dữ dội sau khi các phim: "Yêu", "Em là bà nội của anh", "Bạn gái tôi là sếp" thành công phòng vé. Thời gian tới, khán giả Việt được thưởng thức hàng loạt phim làm lại: "Yêu đi, đừng sợ!" làm lại từ phim "Spellbound"; "Sắc đẹp ngàn cân" làm lại từ "200 pounds beauty"; "Ngựa hoang" làm lại từ phim "Sunny"; "Cô nàng ngổ ngáo" làm lại từ "My sassy girl";... Ngoài hàng loạt kịch bản điện ảnh được công bố, phim truyền hình Việt hóa cũng tiếp tục được đẩy mạnh sản xuất. Một dự án Việt hóa thu hút chú ý gần đây là "Mối tình đầu của tôi", làm lại từ phim "She was pretty" của Hàn Quốc.
Minh Khuê
Đăng nhận xét