Nỗi lo về nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa vào cuối tuần này đã được giảm bớt phần nào sau khi các nhà thương thuyết của quốc hội vào cuối ngày 30-4 (giờ địa phương) đạt được thỏa thuận về dự luật ngân sách trị giá hơn 1.000 tỉ USD.
Mục tiêu hấp dẫn
Thỏa thuận trên có được sau khi 2 đảng Cộng hòa, Dân chủ thỏa hiệp về một số khoản chi. Chẳng hạn, ngân sách trên bao gồm 1,5 tỉ USD dành cho an ninh biên giới theo yêu cầu của các thủ lĩnh Cộng hòa nhưng số tiền này chỉ được dùng để đầu tư công nghệ mới và sửa chữa hàng rào, hạ tầng đang xuống cấp. Ngược lại, phe Cộng hòa đáp ứng yêu cầu của phía Dân chủ về việc tăng ngân sách cho nghiên cứu y tế, năng lượng và khoa học - những khoản chi bị Tổng thống Donald Trump đề xuất cắt giảm.
Nếu suôn sẻ, chính quyền ông Trump sẽ có tiền để hoạt động đến cuối tháng 9 này - một kết quả giúp ông dễ thở đôi chút khi bước vào 100 ngày tiếp theo của nhiệm kỳ với tham vọng đạt được những thành tựu đáng kể về chính sách kinh tế sau 100 ngày đầu tiên bị chê là “trắng tay”. Bên cạnh nỗ lực duy trì lời hứa tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Trump xem cải cách thuế là cơ hội để giành chiến thắng lập pháp lớn đầu tiên sau khi dự luật chăm sóc sức khỏe Mỹ (còn gọi là Trumpcare) mắc kẹt tại quốc hội.
Theo tờ The Washington Post, các quan chức Nhà Trắng đang chịu sức ép trước mục tiêu có dự luật cải cách thuế được quốc hội thông qua trước cuối năm nay - một mục tiêu bị trì hoãn trong 100 ngày đầu tiên của ông Trump. Thành tựu này đặc biệt hấp dẫn ông Trump bởi lần gần đây nhất, một gói cải cách thuế toàn diện được thông qua vào năm 1986, thời điểm Tổng thống Ronald Reagan nắm quyền được khoảng 500 ngày. Rút kinh nghiệm từ Trumpcare, các cố vấn của ông Trump dự định ra mặt nhiều hơn để vận động cho kế hoạch cải cách thuế. Nhà Trắng vào tuần rồi công bố đề xuất về những nguyên tắc dùng để định hướng nội dung dự luật cải cách thuế. Đề xuất này tập trung vào những biện pháp cắt giảm thuế, phần nhiều là cho doanh nghiệp và giảm bớt khung thuế cho hầu hết người đóng thuế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc tuần hành ở TP Harrisburg, bang Pennsylvania hôm 29-4 Ảnh: Reuters
Trong tuần này, các quan chức Nhà Trắng bắt đầu nhóm họp với các nghị sĩ về vấn đề cải cách thuế nhằm hoàn thiện nội dung dự luật trong mùa hè này và đưa ra bỏ phiếu vào mùa thu tới. Ngoài ra, các quan chức Mỹ trong 6 tuần tới sẽ tập trung tìm sự ủng hộ cũng như ý kiến phản hồi giữa lúc có nỗi lo đề xuất trên đe dọa làm ngân sách của Mỹ thêm thâm hụt nghiêm trọng. Chưa hết, một số cố vấn của ông Trump hoài nghi về kế hoạch cắt giảm nhiều thuế cho người giàu và thúc giục tổng thống Mỹ tập trung giữ lời hứa với cử tri tầng lớp lao động.
Không dễ dàng hơn
Những diễn biến trên báo hiệu 100 ngày sắp tới có thể không dễ dàng hơn cho ông Trump. Nhà Trắng hy vọng thông qua dự luật về hạ tầng trong năm nay nhưng thừa nhận điều này phải đợi cho đến khi làm xong chuyện cải cách thuế. Ngoài ra, tài khóa mới bắt đầu vào ngày 1-10 tới nhưng các nghị sĩ 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa cảnh báo công việc soạn thảo kế hoạch ngân sách mới vẫn chưa bắt đầu. Nói tóm lại, theo đài CNN, những trận chiến chính trị trong 3 tháng tới sẽ phần nào cho thấy ông Trump có rút ra được bài học nào từ những sai lầm trong 100 ngày đầu tiên và tìm được cách làm việc hiệu quả với quốc hội hay không.
Về đối ngoại, 100 ngày tới sẽ chứng kiến ông Trump công du nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo sẽ đến châu Âu trong tháng 5 - cơ hội để ông xoa dịu nỗi lo về những phát biểu chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và NATO trước đó, cũng như giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại “nước Mỹ trước tiên”. Theo đài CNN, dư luận còn chờ xem ông chủ Nhà Trắng xử lý ra sao một số cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, trong đó, cấp bách nhất là chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, thế giới sẽ biết liệu ông Trump có rút Mỹ khỏi hiệp ước khí hậu Paris hay không - một quyết định dự kiến sẽ có trong vài tuần tới. Sự quan tâm cũng dành cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký bởi Mỹ, Canada và Mexico. Chính quyền ông Trump gần đây cho biết sẽ không hủy bỏ NAFTA mà muốn tái thương thảo hiệp định - một bước đi có thể tác động mạnh đến giá trị xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Canada và Mexico (lần lượt đạt 322 tỉ USD và 262 tỉ USD năm ngoái) và 14 triệu việc làm ở Mỹ.
Hoàng Phương
Đăng nhận xét