"Qua đối thoại, ban giám đốc mong muốn giải quyết căn cơ mọi gút mắc về tiền lương, tiền thưởng của các anh, chị. Nếu hai bên cùng mở lòng với nhau, chắc chắn mầm mống tranh chấp sẽ bị triệt tiêu". Ông Cao Anh Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Tuấn Kiệt (gia công túi xách, tỉnh Bình Dương), khẳng định như vậy tại hội nghị người lao động (NLĐ) tổ chức mới đây.
Thông cảm và chia sẻ
Đi vào hoạt động từ năm 2012, từ vài chục lao động ban đầu, nay công ty đã có 250 lao động. Nhiều năm qua, ngoài thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho NLĐ, công ty còn phối hợp chặt chẽ với Công đoàn (CĐ) cơ sở chăm lo cho NLĐ. Vì vậy, việc gần 100 công nhân (CN) đột ngột lãn công, kiến nghị xem xét lại chính sách lương, thưởng khiến ông Kiệt hết sức bất ngờ.
Qua xem xét kiến nghị của tập thể lao động và tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở, ông Kiệt nhìn nhận 4/5 yêu cầu của CN là chính đáng. Trong đó, 2 vấn đề gây bức xúc nhất là chính sách tiền lương cào bằng; phương pháp đánh giá, xếp bậc thợ CN còn cảm tính. "Giữa người làm lâu năm và CN mới vào phải có sự đãi ngộ khác biệt mới khuyến khích CN gắn bó" - CN kiến nghị như vậy. CN cho biết đã nêu những bất cập này với bộ phận nhân sự - tiền lương nhưng không được phản hồi. "Bức xúc của CN dù nhỏ cũng phải được ghi nhận và giải quyết thấu đáo chứ không nên để âm ỉ, kéo dài. Về phía anh em CN, nếu mọi việc có thể thương lượng được thì không nên nóng vội, gây bất ổn cho doanh nghiệp (DN)" - ông Kiệt bày tỏ.
Cơ chế đối thoại chặt chẽ đã giúp Công ty TNHH Shing Việt ngăn ngừa mầm mống bất ổn
Tại Công ty CP Xe khách Sài Gòn (SaigonBus), tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2016 khiến tập thể lao động lo lắng, nhất là vấn đề việc làm, lương, thưởng. Hiểu rõ tâm tư ấy của tập thể lao động, CĐ cơ sở đã chủ động tập hợp ý kiến NLĐ và đề xuất ban giám đốc giải quyết ngay tại hội nghị NLĐ. 13 ý kiến sát sườn nhất về tiền lương, phụ cấp được lãnh đạo ghi nhận và trả lời thỏa đáng. Không chỉ hài lòng khi nguyện vọng được đáp ứng, nhiều NLĐ cũng tích cực hiến kế để nâng cao sức cạnh tranh cho DN khi cổ phần hóa. "Thiện chí phải là nền tảng cốt lõi trong thương lượng, muốn vậy, cả tập thể lao động và DN phải hiểu rõ khó khăn của nhau và cùng hợp tác giải quyết để ngăn ngừa tranh chấp" - ông Nguyễn Viết Thy, Chủ tịch CĐ SaigonBus, cho biết.
Hiểu công nhân cần gì
Việc tổ chức đối thoại định kỳ, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại DN đã được pháp luật lao động quy định. Tuy nhiên, ở nhiều DN ngoài nhà nước, việc đối thoại không dễ dàng do tâm lý ngại đối thoại của người sử dụng lao động.
Theo ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), bên cạnh thiện chí của người sử dụng lao động, đội ngũ cán bộ CĐ cần phải có kỹ năng thương lượng. "Chuẩn bị kỹ nội dung thương lượng và tư vấn cho DN cách giải quyết hợp lý, hợp tình, hài hòa lợi ích hai bên phải được CĐ cơ sở coi trọng" - ông Kiệt chia sẻ.
Tại Công ty TNHH Vĩ Châu, trước thời điểm diễn ra hội nghị NLĐ, CĐ cơ sở chủ động lấy ý kiến CN về tình hình việc làm, thu nhập và phúc lợi để làm cơ sở thương lượng. Căn cứ vào tình hình phát triển, đặc biệt là khả năng đáp ứng của DN, CĐ cơ sở thường xây dựng ít nhất 2 phương án để ban giám đốc xem xét. Cách làm này giúp DN có nhiều sự lựa chọn hơn khi thương lượng, còn CĐ cơ sở vẫn thực hiện tốt mục tiêu ổn định việc làm, thu nhập cho CN.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Shing Việt (100% vốn nước ngoài; quận Thủ Đức, TP HCM), nhờ đeo bám sản xuất và xây dựng tác phong làm việc gần gũi với anh em CN, đội ngũ cán bộ CĐ của công ty luôn nắm bắt được CN cần gì và xây dựng phương án thương lượng phù hợp. Cách làm này đã giúp hơn 900 lao động tại công ty nhiều năm qua được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn luật định như trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên thu nhập thực tế; được khám sức khỏe định kỳ 2 năm/lần...
Lãnh đạo DN phải xem đối thoại là kênh thông tin quan trọng để hiểu rõ hơn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó phối hợp với CĐ giải quyết căn cơ" - bà Trần Di Lynh, Giám đốc Công ty Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), nói.
Bài và ảnh: TRỰC NGÔN
Đăng nhận xét