Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy lũy kế đến cuối tháng 5-2017, các nhà đầu tư Mỹ có tổng cộng 838 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10,2 tỉ USD. Mỹ hiện đứng thứ 9 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Không ngừng mở rộng đầu tư
Một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đến từ Mỹ là dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 319,8 triệu USD.
Tại TP HCM, các tập đoàn, DN đến từ Mỹ cũng không ngừng mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Mới đây, Công ty Jabil Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà xưởng mới và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Cơ sở sản xuất mới của Jabil sẽ cung cấp thêm không gian sản xuất và kho bãi, đáp ứng được hoạt động sản xuất quy mô lớn trong tương lai cho các sản phẩm máy tính, lưu trữ, thiết bị mạng, viễn thông, tự động hóa... Có mặt ở Việt Nam trong 10 năm, hiện Jabil đã rót 150 triệu USD và đang không ngừng mở rộng hoạt động, đồng thời cam kết đầu tư lâu dài.
Google hiện là tập đoàn công nghệ của Mỹ đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam Ảnh: LÊ DUY
Thống kê tại SHTP đến cuối tháng 5-2017, có 9 dự án FDI của các nhà đầu tư Mỹ còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 1,35 tỉ USD trong các lĩnh vực vi điện tử, vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, tự động hóa và xây dựng phát triển hạ tầng. Trong đó, một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Intel đã cam kết rót vốn hơn 1,04 tỉ USD. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết tập đoàn này đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất đầu tư ở TP HCM và dự kiến trong năm nay sẽ tăng gấp đôi sản lượng.
Cũng theo ông Lê Hoài Quốc, dự kiến năm nay, SHTP sẽ thu hút khoảng 640 triệu USD vốn FDI từ Mỹ, trong đó một số dự án tiêu biểu như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khoa học sự sống kết hợp bệnh viện công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Mục tiêu của dự án là trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu y tế, dược phẩm hàng đầu khu vực, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích hỗ trợ cộng đồng...
Ông Lê Hoài Quốc kỳ vọng sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ sẽ giúp củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư Mỹ đang tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam và TP HCM nói riêng.
Thị trường xuất siêu lớn nhất
Bên cạnh đầu tư, những năm qua, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016, thương mại hàng hóa Việt Nam - Mỹ đã tăng 43,5 lần, từ 1,08 tỉ USD năm 2000 đã tăng lên 47,15 tỉ USD năm 2016. Tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân mỗi năm trong giai đoạn này ở mức khá cao, khoảng 26,6%/năm. Mỹ hiện là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Đặc biệt, trong khi Việt Nam nhập siêu lớn từ một số thị trường, riêng Mỹ lại là đối tác giúp đem lại thặng dư thương mại lớn nhất cho nước ta trong nhiều năm qua. Tính đến tháng 4-2017, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư hơn 9,4 tỉ USD với thị trường Mỹ. Cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Mỹ có tính bổ sung cho nhau, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam qua thị trường này gồm hàng dệt may, giày dép, điện thoại, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.
Trong đó, dệt may là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, với kim ngạch 4 tháng theo số liệu của Tổng cục Hải quan là hơn 3,6 tỉ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Riêng năm ngoái, các DN Việt Nam đã xuất khẩu tới 11,45 tỉ USD hàng dệt may sang thị trường này, chiếm tới 48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, cho biết Mỹ là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu của DN may xuất khẩu. Mấy năm qua, khi nhu cầu từ các thị trường khác giảm sút, Mỹ vẫn là thị trường đem lại tín hiệu tích cực với nhiều cơ hội phát triển. Kinh tế Mỹ đang hồi phục đã giúp các DN ngành dệt may có thêm đơn hàng và khách hàng. Hiện thị trường Mỹ chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu của Garmex Sài Gòn.
"Đối tác, khách hàng Mỹ thường yêu cầu sự minh bạch, công bằng trong quá trình làm ăn và tiêu chuẩn của họ là sản phẩm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu là hợp tác chứ không cần quen biết, quan hệ... Mỹ là thị trường lớn với nhiều tiềm năng, cơ hội hấp dẫn cho các DN Việt, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang hồi phục" - ông Lê Quang Hùng nhận xét.
Là một doanh nhân có nhiều năm làm ăn ở Mỹ, mở cả văn phòng đại diện tại Mỹ để xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang, ông Trần Quang Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty GC Food USA, nhận xét thị trường Mỹ rất rộng lớn và có cơ hội cho tất cả DN Việt nếu nắm bắt và hiểu rõ. Chẳng hạn, nếu xuất khẩu nông sản qua Mỹ, DN cần biết đưa hàng qua kênh nào, vào chuỗi hệ thống phân phối nào vì nhu cầu của người dân Mỹ rất đa dạng, cũng như có quá nhiều kênh phân phối. Có điều, đa phần DN Việt xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đều dưới dạng thô nên giá trị đem lại chưa cao. Trước đây, công ty ông cũng xuất thô nhưng sau này, các sản phẩm của công ty từ cà phê, điều, gia vị... đều được đóng gói thành sản phẩm riêng theo yêu cầu của khách hàng. "Muốn thành công ở thị trường Mỹ, DN trong nước có thể liên kết hợp tác với các DN đã có mặt trên thị trường này vì cơ hội là rất rộng mở. Điều cốt lõi khi làm ăn với đối tác Mỹ là họ quan trọng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của DN Việt chứ không phải điều gì khác" - ông Vương chia sẻ.
VNG sẽ niêm yết trên sàn NASDAQ
Trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng ông Theodore G. Osius III, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã tham dự buổi gặp gỡ giữa Sàn Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Mỹ) và các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Trong buổi gặp, trước sự có mặt của các lãnh đạo cấp cao, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG và ông Robert H. McCooey, Jr., Phó Chủ tịch cấp cao NASDAQ, đã ký bản ghi nhớ về việc VNG dự kiến niêm yết cổ phiếu tại thị trường này. Sự kiện mang tính biểu tượng này đánh dấu bước tiến đầu tiên và quan trọng cho sự tham gia của các DN Việt Nam vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. Bởi việc một start-up Công nghệ và Internet Việt Nam thành công bước đầu tìm hiểu và đưa ra dự kiến niêm yết trên một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới như NASDAQ - điểm đến niêm yết của các công ty công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Google, Facebook… - sẽ tạo ra sự quan tâm của giới công nghệ và tài chính trên thế giới tới Việt Nam. L.Duy
THÁI PHƯƠNG
Đăng nhận xét