Chính những việc làm cụ thể, thiết thực này đã góp phần thực hiện các giải pháp giúp ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ)
“Cho thuê giá rẻ để sắp nhỏ còn có tích lũy”
Chị Trần Thị Anh Đào (đường 12, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM), có 15 phòng trọ cho lao động thuê ở. Nhiều năm qua, chị giữ nguyên mức giá cho thuê chỉ 700.000 đồng/phòng trọ 15m2 mỗi tháng. Nhiều nữ công nhân (CN) ở ghép bốn người một phòng. Nhờ chị Đào không tăng giá nhà trọ từ năm 2010 đến nay nên tính ra mỗi tháng chi phí cho tiền nhà trọ chỉ khoảng 250.000 đồng/người, nhờ vậy NLĐ tiết kiệm được một khoản tương đối.
Cô Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ 37/3, đường số 9, KP5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM, một trong các chủ nhà trọ nhiều năm không tăng giá thuê phòng - Ảnh: Lê Tuyết
Tham gia câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ từ năm 2008, chị Đào cho biết, từ đó đến nay chị luôn cố gắng giữ giá thuê phòng ở mức thấp nhấp, dù xung quanh những nhà trọ cùng diện tích trong khu vực đã có giá thấp nhất là 1,2 triệu đồng/phòng mỗi tháng. Những phòng trọ xây mới giá đã hơn 2 triệu đồng/tháng. Không những thế, những dịp Tết, chị Đào trích một phần thu nhập để tặng quà, lì xì cho người ở trọ. Chị cũng lập danh sách những CN nghèo gửi lên LĐLĐ quận Thủ Đức để anh chị em CN được hỗ trợ mỗi dịp Tết đến.
“Sắp nhỏ nhà tôi” là cách mà cô Nguyễn Thị Thành chủ nhà trọ số 32/4A ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM gọi gần 300 CN đang ở trong khu trọ nhà mình. Dì Tư cũng là tổ trưởng Tổ CN tự quản do LĐLĐ huyện Hóc Môn phụ trách. CN gọi cô Thành là dì Tư, con nít gọi dì là ngoại bởi chúng được sinh ra ở đây, được Dì ẵm bồng từ khi còn đỏ hỏn. Buổi chiều, xóm trọ của dì Tư rộn ràng tiếng cưới nói, mấy anh trai ngồi đọc báo trong phòng sinh hoạt chung, rộng hơn 20m2 mà dì đã trang bị đầy đủ sách, báo, tivi, vi tính… Dì Tư tuổi ngoài 60 nhưng nhớ tên, công việc, công ty, quê quán của từng người ở 100 phòng trọ với gần 100 gia đình CN, bởi đứa nào ở với dì “lâu thì 15 năm, ít thì 4 - 5 năm. Gặp mặt nhau mỗi ngày, không nhớ sao được”.
Vợ chồng anh Tường, chị Linh, quê Đồng Tháp, ở với dì Tư đã 15 năm, chia sẻ: 15 năm, Dì tăng giá phòng trọ chừng 3 lần, giá phòng trọ của dì Tư thấp hơn 1/3 so với giá phòng trọ xung quanh. “Đâu có ai được như dì Tư, thời buổi “tấc đất tất vàng”, dì dành hẳn 700 mét vuông đất là sân chơi tập thể. Anh em muốn đá bóng, văn nghệ văn gừng đều có chỗ, ngoài phòng sinh hoạt chung 20m2, Dì còn dành một phòng làm “căn phòng mơ ước” cho CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Dì miễn phí tiền thuê phòng 1 năm. Tết nhứt thì dì lì xì, tặng quà, làm tiệc tất niên… “Người xa quê như tôi thấy rất ấm lòng. Tiết kiệm được tiền thuê trọ, vợ chồng tôi mỗi tháng để dành thêm được chút ít để lo cho con” – Anh Tường bộc bạch.
Hơn 5.000 nữ chủ nhà trọ cam kết không tăng giá
Bà Đỗ Thị Chánh – Phó Chủ tịch Hội LHPN TP HCM cho biết, bắt đầu từ năm 2008, mô hình tập hợp “Nữ CN nhà trọ” được thí điểm ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Sau đó, mô hình được nhân rộng ra tại 13 quận, huyện với các hoạt động tập hợp và xây dựng lực lượng nồng cốt trong nữ CNLĐ nhập cư, đến nay đã có 165 câu lạc bộ, tổ, nhóm Nữ CN nhà trọ với 6.442 thành viên và đặt các tên gọi như: Câu lạc bộ, tổ “Nữ CN lưu trú”, “Nữ CN lao động xa quê”, “Phụ nữ xa quê”, “Tổ CN nhà trọ”…
Trong đó, có 422 chị là lực lượng nòng cốt, phát huy tốt vai trò là cầu nối để phản ảnh tâm tư, tình cảm của chị em nữ CN, cung cấp các nguồn tin xác thực cho Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp để kịp thời phối hợp các ngành liên quan giải quyết bức xúc của CN, góp phần ngăn ngừa các vụ đình công, lãn công tự phát trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Theo bà Chánh, thành phần tham gia câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ là những người có từ 10 phòng trọ trở lên ở những đơn vị có đông CNLĐ nhập cư và có từ 5 phòng trọ trở lên ở những địa bàn khác. Bên cạnh sinh hoạt, tư vấn tại chỗ cho các nữ CN về các chính sách pháp luật, vào các dịp lễ, tết, câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo về tinh thần cho người ở trọ như: Tổ chức các trò chơi vận động, thi gói bánh tét, làm dưa kiệu, dưa món, ẩm thực…
Tính đến nay, đã có 5.093 nữ chủ nhà trọ thực hiện không tăng giá thuê phòng trọ, tiền điện, nước, vận động gia đình hội viên phụ nữ, CN nhập cư đăng ký thực hiện Chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện, xây dựng nhà trọ “Văn minh – nghĩa tình”; “Khu nhà trọ văn hóa”; “Nhà trọ thân thiện”… Các nữ chủ nhà trọ đã chủ động chăm lo qua tết, giảm tiền thuê phòng trong dịp Tết, hỗ trợ vé tàu xe cho nữ CN nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn, bảo lãnh cho các nữ CN được vay vốn.
“Tuy nhiên, với đặc thù hiện nay là phần lớn nữ CN thường xuyên thay đổi chỗ ở theo nơi làm việc, không cứ trú ổn định, nhất là thời điểm sau Tết nên số lượng thành viên trong câu lạc bộ đội nhóm nữ CN nhà trọ luôn biến động, rất khó xây dựng lực lượng nòng cốt phong trào để gắn bó sinh hoạt lâu dài. Một số nữ CN thường xuyên phải tăng ca để có thêm thu nhập nên không có thời gian để tham gia sinh hoạt, nhiều chị em chưa mạnh dạn tham gia phong trào” – Bà Chánh chia sẻ.
“Cô không dám nhận mình giàu có bởi với cô, tiền bạc mình biết đủ là đủ. Tiền bạc ăn bao nhiêu cũng hết, mình lấy giá thuê phòng cao, lấy tiền điện nước cao lên, tiền nhiều thì cũng cơm ngày ba bữa. Chết không mang tiền theo được. Nên cô nghĩ hỗ trợ được sắp nhỏ của cô bao nhiêu thì hỗ trợ, để mấy đứa có thêm chút tiền để dành. Nghĩ vậy thôi mà cô làm” – Cô Nguyễn Thị Thành bộc bạch.
Theo LÊ AN NHIÊN (Báo Lao Động)
Đăng nhận xét