Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Chủ tịch vĩnh viễn Kim Nhật Thành, lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên đã có lần xuất hiện hiếm hoi. Họ mặc quân phục rằn ri, vai đeo loại súng trường cải tiến Kalashnikov và miệng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi diễu binh ngang qua quảng trường Kim Nhật Thành.
Khi đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin đây là lần đầu Triều Tiên thành lập lực lượng đặc nhiệm. Dù vậy, nhiều báo cáo về lực lượng này đã được đưa ra trong quá khứ.
Washington Post cho biết trong vài năm gần đây, các nhà phân tích an ninh quốc gia và quan chức quốc phòng Mỹ đã nghi ngại rằng nếu Triều Tiên muốn tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Hàn Quốc và Mỹ, phương tiện họ sử dụng sẽ không phải là pháo hay tên lửa đạn đạo mà là các đặc công mang theo vũ khí sinh học, hóa học.
Đặc nhiệm Triều Tiên là lực lượng đứng sau những chiến dịch quân sự gây chấn động nhất của Bình Nhưỡng trong vài thập niên qua như vụ bố ráp ở Seoul năm 1968 hoặc vụ tàu lặn Triều Tiên đột nhập vùng biển Hàn Quốc năm 1996.
Theo báo cáo năm 1999 của một quan chức Mỹ tại Trường Sĩ quan Không quân Mỹ, bờ biển Hàn Quốc không phải nơi tập trung đông dân nhưng là khu vực nhạy cảm dễ bị tấn công. Các đặc công Triều Tiên có thể xâm nhập khu vực này bằng tàu thường, tàu đệm khí, tàu ngầm, trực thăng, đường hầm hoặc nhảy dù. Ngoài ra, Triều Tiên cũng sở hữu một lực lượng tinh nhuệ có khả năng điều khiển một loại máy bay gỗ nhỏ và đổ bộ từ trên không.
Số lượng chính xác và năng lực tác chiến của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên vẫn còn là bí mật. Dù vậy, theo một báo cáo năm 2015 do Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội, Triều Tiên có ít nhất 180.000 đặc công, tương đương số lượng quân thường trực của Thủy quân Mỹ.
Báo cáo này cũng lưu ý rằng khó có khả năng Triều Tiên tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn, do nó có thể kéo theo sự trả đũa mạnh tay từ phía Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng có thể lựa chọn những vụ tấn công nhỏ hơn với đặc nhiệm là lực lượng đóng vai trò quan trọng.
"Các đơn vị của Lực lượng Đặc nhiệm Chiến lược, đóng rải rác khắp Triều Tiên, có vẻ được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia các chiến dịch thần tốc, bảo vệ trong nước khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài hoặc tiến hành các cuộc tấn công có giới hạn vào các mục tiêu dễ tổn thương của Hàn Quốc như một biện pháp ngoại giao cưỡng ép", báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ viết.
"Họ hoạt động theo các đơn vị chuyên biệt, trinh sát, tác chiến trên không hoặc đổ bộ từ trên không, đặc công và các bộ phận khác. Tất cả nhấn mạnh vào tốc độ di chuyển và tấn công bất ngờ để đạt được mục tiêu".
Ví dụ được dẫn ra là vụ nổ mìn làm bị thương nặng 2 binh sĩ Hàn Quốc ở khu phi quân sự ở biên giới 2 nước hồi năm 2015. Khi đó, Hàn Quốc cáo buộc lính Triều Tiên lẻn vào khu phi quân sự để đặt mìn và đe dọa sẽ buộc Bình Nhưỡng "trả giá đắt". Dù vậy, cuối cùng 2 nước đã thỏa thuận được và xung đột không nổ ra.
Bruce Benett, một nhà phân tích an ninh quốc gia, nhận định Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục sử dụng lực lượng đặc nhiệm để tiến hành các hành động khiêu khích mà các nước khó có thể quy trách nhiệm cho Triều Tiên. Đó sẽ không phải một vụ tấn công hạt nhân, thay vào đó các đặc công có thể sử dụng vũ khí sinh học.
Đăng nhận xét