Phóng viên: HTX lâu nay được ví là loại hình kinh tế “bị bỏ quên”, có đúng không, thưa bà?
- Bà Lê Thị Hoàng Yến: So với các loại hình kinh tế khác, HTX đúng là đang bị “bỏ quên”. Xét ở góc độ kinh tế, khối HTX với 391 đơn vị đang hoạt động đóng góp khoảng 0,6%-0,8% cho GDP TP HCM. Ở góc độ xã hội, các HTX tạo công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập cho gần 200.000 thành viên và người lao động. Tại TP HCM, vài năm trở lại đây, số HTX thành lập mới và HTX giải thể tương đương nhau nên tổng số HTX trên địa bàn vẫn duy trì ở mức hơn 500 đơn vị. Chiếm số lượng lớn trong đó là những HTX có quy mô nhỏ, hoạt động cầm chừng. Lâu nay, người dân thích lập doanh nghiệp (DN) để làm ăn hơn là lập HTX, giới trẻ cũng không thích “đầu quân” vào HTX mà chọn xin việc tại các công ty.
So với những thành phần kinh tế khác, khu vực HTX chậm phát triển hơn do vướng một số tồn tại về vốn, nguồn nhân lực và đầu ra sản phẩm. HTX không có vốn, không có tài sản thế chấp nên khó vay các tổ chức tín dụng. Về nguồn nhân lực, theo khảo sát của Liên minh HTX, chỉ gần 30% nhân sự quản lý tại các HTX có trình độ chuyên môn hoặc cao đẳng, ĐH; số nhân sự chưa qua trường lớp chiếm trên 20%. Đa số thành viên ban chủ nhiệm và xã viên HTX đã lớn tuổi, kiến thức chuyên môn, quản trị kém, không có độ nhanh nhạy, sáng tạo trong nắm bắt thị trường và khai thác cơ hội kinh doanh. Hầu hết HTX đang rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tất cả tồn tại đó cộng với một số điều khoản mang tính chất gò bó trong Luật HTX năm 2012 là những lực cản lớn khiến HTX khó phát triển.
Saigon Co.op là đơn vị điển hình của kinh tế HTX. Trong ảnh: Đại siêu thị Co.opXtra - liên doanh giữa Saigon Co.op và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể, Luật HTX năm 2012 đã trói buộc loại hình kinh tế này thế nào?
- Luật HTX năm 2012 có thay đổi lớn là không coi HTX là DN. Theo tinh thần của luật, nhiệm vụ chính của HTX là phục vụ thành viên chứ không phải tối đa hóa lợi nhuận. Trên cơ sở đó, HTX hoạt động theo nguyên tắc đối nhân chứ không đối vốn dẫn đến khó kêu gọi vốn. Các quy định về bán hàng và đầu tư ra ngoài HTX… cũng không phù hợp thực tiễn khiến HTX khó hoạt động. Đây là những vướng mắc đã thấy trước. Trước khi luật ra đời, chúng tôi đã kiến nghị nên sửa đổi nhưng các điều khoản bất hợp lý này vẫn được giữ nguyên. Mặc dù vậy, sau 3 năm thực hiện chuyển đổi theo mô hình kiểu mới và được sự hỗ trợ tích cực của TP HCM, chúng ta cần ghi nhận các HTX đã thích ứng dần và chuyển biến tốt hơn.
TP HCM rất quan tâm hỗ trợ kinh tế HTX nhưng HTX vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Vậy theo bà, HTX cần được hỗ trợ gì thêm và sẽ phát triển thế nào trong thời gian tới?
- Có thể nói, TP HCM là địa phương dẫn đầu cả nước trong các hoạt động hỗ trợ kinh tế HTX. Trước khi Luật HTX được thông qua, TP HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất lên đến 100 triệu đồng cho HTX nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới. Song song đó, chính quyền TP phối hợp với các sở, ngành và hệ thống ngân hàng hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong 5 năm để HTX đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Đề án trợ vốn thay mới 1.680 xe buýt cho các HTX vận tải cũng đang được TP triển khai. Theo đề án này, TP HCM hỗ trợ cho vay 70% vốn, HTX đóng góp 30% vốn. Với sự hỗ trợ này, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mới phương tiện vận tải, nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, từ khi có chỉ thị của Thành ủy về phát triển kinh tế tập thể đến nay, kinh tế HTX càng được quan tâm. Liên minh HTX TP HCM đang thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2013-2020, trong đó tập trung hỗ trợ tháo gỡ hạn chế về vốn, nhân lực cho HTX. Các lớp đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ HTX được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao trình độ, năng lực của HTX. Tính từ năm 2003 đến nay, Quỹ Trợ vốn thành viên HTX (CCM) đã cho các HTX và tổ hợp tác vay hơn 7.000 tỉ đồng, dư nợ hiện nay trên 550 tỉ đồng. Thông qua Liên minh HTX TP HCM, nhiều HTX đã kết nối vay vốn ngân hàng. Chỉ trong tháng 3-2017, các ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân cho một số HTX vay 30 tỉ đồng. HTX được TP HCM hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành tổ chức định kỳ hằng năm. TP HCM còn là địa phương đầu tiên trong cả nước có hỗ trợ lương cho nhân sự có trình độ ĐH, cao đẳng.
Nhờ đó, đã có sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm trong một số HTX; một thế hệ nhân sự kế thừa có kiến thức, tâm huyết đang được đào tạo, bồi dưỡng thêm. Nếu cộng tất cả trợ lực đó với nỗ lực riêng của từng HTX, tôi tin rằng thời gian tới HTX sẽ bứt phá mạnh mẽ.
Sửa chính sách thuế
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình quản lý thuế đối với HTX, từ đó có những đề xuất cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thuế và quản lý thuế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thành phần kinh tế này.
Thanh Nhân thực hiện
Đăng nhận xét