Theo ông Rainer Brohn, Việt Nam có tiềm năng bức xạ điện mặt trời tốt so với các nước trong khu vực và thế giới. Ngành công nghiệp hỗ trợ điện mặt trời trong nước cũng đang phát triển. Tuy nhiên, trong cấu trúc thị trường hiện chưa có những dự án lớn mà mới có 20% hệ thống nối lưới công suất quy mô vừa và lớn (lớn hơn 50 KWp) đang được thử nghiệm, trình diễn và cho mục đích thương mại; 80% còn lại là các ứng dụng điện mặt trời quy mô nhỏ, dùng cho hệ thống chiếu sáng gia đình và công cộng hoặc trạm điện năng lượng mặt trời, hệ thống lai ghép không nối lưới ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đặc biệt, chưa có hệ thống điện mặt trời trên mặt đất nào được lắp đặt. "Trong 2 năm qua, các nhà đầu tư rất quan tâm đến điện mặt trời tại Việt Nam, hiện có khoảng 50-70 dự án với nhiều MW tiềm năng. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án điện mặt trời, theo đó giá mua điện mặt trời 9,35 cents/KWh và cơ chế bù trừ điện năng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Dù vậy, còn nhiều rào cản liên quan đến thủ tục, tiếp cận vốn và bảo lãnh, quy trình cấp phép đầu tư phức tạp, chưa rõ ràng…" - ông Rainer Brohn nhận xét.
Đồng tình với những nhận định này, các diễn giả kiến nghị nhà nước cần sớm hoàn thành khung pháp lý hỗ trợ điện mặt trời phát triển. Cụ thể, cần nhanh chóng cung cấp thông tin rõ ràng về khung pháp lý cho điện mặt trời giai đoạn sau năm 2019 (vì quyết định hiện hành chỉ có hiệu lực đến hết tháng 11-2019); nhà nước và các địa phương cần hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thu hồi đất và quy trình đầu tư, cải thiện các điều kiện tài trợ vốn…
Theo Tổng cục Năng lượng, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam rất lớn. Trong đó, tiềm năng cho khu dân cư và thương mại ước đạt tối thiểu 2-5 GWp trong thập kỷ tới. Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng công suất điện mặt trời từ khoảng 6-7 MW vào cuối năm 2015 lên 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030.
T.Nhân
Đăng nhận xét