Ngày 26/4, Trung Quốc làm lễ hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên. Hàng không mẫu hạm này được gọi là Type-001A và có thể được đặt tên là Sơn Đông (CV-18), lượng choán nước 70.000 tấn. Type-001A được khởi đóng vào tháng 11/2013, đưa vào ụ tàu từ năm 2015, Trung Quốc chỉ mất 5 năm để hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên.
Việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên chứng minh bước tiến lớn của công nghệ đóng tàu nước này trong việc thi công các tàu chiến cỡ lớn. Ngoài ra, đó còn là một biểu tượng cho sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc.
Từ lễ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc nhìn sang Ấn Độ, nhà phân tích Mihir Sharma, chuyên nghiên cứu về chính trị, kinh tế và quân sự của Ấn Độ chia sẻ quan điểm với Bloomberg.
Ông cho rằng, việc Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay nội địa đã “giáng một đòn mạnh” vào những nỗ lực của New Delhi trong việc trở thành lực lượng hải quân hàng đầu khu vực châu Á.
Đi trước về sau
Ấn Độ khởi động dự án tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant, lượng choán nước 40.000 tấn vào năm 2004, tàu được đăng ký vào tháng 2/2009. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đang mày mò nâng cấp tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành do Liên Xô chế tạo, thuộc quyền sở hữu của Ukraine sau khi khối Xô viết sụp đổ.
Tàu Varyag được bán dưới dạng phế liệu, khi kéo về Trung Quốc, tàu sân bay này mới hoàn thành được 80% phần vỏ và hầu như không có thiết bị nào bên trong. Tàu sân bay Varyag được nâng cấp thành công và đưa vào sử dụng trong năm 2012 với tên gọi Liêu Ninh (CV-16).
Tàu sân bay của Trung Quốc. Ảnh:Reuters.
Trong tháng 7/2012, Times of India báo cáo rằng, quá trình xây dựng tàu sân bay Vikrant bị chậm khoảng 3 năm so với kế hoạch. Đến cuối năm 2012, tờ báo tiếng Anh NDTV báo cáo rằng, chi phí tàu tăng cao và việc bàn giao cho Hải quân Ấn Độ sẽ chậm ít nhất 5 năm so với dự kiến ban đầu vào năm 2014.
Tàu được hạ thủy vào tháng 8/2013. Tuy nhiên, đến nay, gần 5 năm sau khi hạ thủy, quá trình lắp đặt thiết bị vẫn chưa hoàn thành.
Đầu năm 2016, báo The Hindu cho biết quá trình hoàn thiện tàu sân bay Vikrant đang gặp khó khăn do việc cung cấp linh kiện chậm trễ từ phía Nga. Bên cạnh đó, tiêm kích MiG-29K do Nga chế tạo dự định sử dụng trên tàu sân bay Vikrant đang gặp lỗi động cơ và kết cấu khung.
Trong tháng 7/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước Ấn Độ (CAG) báo cáo rằng 60% động cơ của tiêm kích MiG-29K đang sử dụng trên tàu sân bay INS Vikramaditya phải rút khỏi dịch vụ do các lỗi kỹ thuật. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ đã từ chối mua tiêm kích hạng nhẹ Tejar phát triển trong nước vì nó quá nặng, không phù hợp với đường băng ngắn trên tàu sân bay.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ chỉ có thể sẵn sàng chiến đấu sau năm 2023, chậm hơn 8 năm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn chịu bất lợi về số lượng so với Trung Quốc.
Đầu năm 2017, Hải quân Ấn Độ ngưng hoạt động tàu sân bay INS Viraat, nên hiện tại chỉ còn duy nhất tàu sân bay INS Vikramaditya đang hoạt động.
Tệ hại hơn, trong khi Liêu Ninh hay Type-001A là những sản phẩm mang dấu ấn công nghệ bản địa của Trung Quốc. Vikramaditya đơn thuần chỉ là một tàu sân bay cũ hoán cải lại từ tuần dương hạm Đô đốc Gorshkov của Nga.
Tham vọng quá lớn
Ông Mihir Sharma nhận xét, Hải quân Ấn Độ thực hiện nhiều chiến lược với tham vọng quá lớn so với năng lực tài chính và công nghệ trong nước.
Ấn Độ muốn thống trị các đại dương với hạm đội tàu sân bay để thể hiện sức mạnh. Kết quả, New Delhi đã lãng phí quá nhiều tiền và thời gian vào tàu sân bay Vikramaditya, chậm tiến độ đến 6 năm và chi phí tăng gấp 3 lần so với ban đầu.
Ngoài ra, việc khởi động dự án tàu sân bay nội địa trong lúc Ấn Độ chưa làm chủ được các công nghệ quan trọng dẫn đến chậm tiến độ, phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài khiến New Delhi không thể chủ động trong việc đưa tàu vào vận hành.
Chiến lược tập trung quá nhiều vào các dự án lớn dẫn đến cạn kiệt ngân sách dành cho việc hiện đại hóa hạm đội. Ấn Độ hiện chỉ có 13 tàu ngầm phi hạt nhân, 10 tàu trong đó có thời gian hoạt động gần 4 thập kỷ. Điều kỳ lạ là 2 tàu mới đưa vào hoạt động lại không có vũ khí.
Ông Sharma cho rằng, Ấn Độ thiếu tầm nhìn về lâu dài và can đảm chính trị. Sự hào nhoáng của các tàu sân bay củng cố niềm tự hào quốc gia nhưng hiệu quả về chiến lược quốc phòng có thể không tương xứng.
Nhà phân tích kết luận, Ấn Độ cần có chiến lược phù hợp hơn trong việc phát triển quốc phòng, cho đến lúc đó, New Delhi sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để giữ Trung Quốc ra khỏi Ấn Độ Dương, khu vực được coi là sân sau của Ấn Độ.
Đăng nhận xét