Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mức lương tối thiểu; tăng thời giờ làm thêm; tuổi nghỉ hưu... và sẽ trình Quốc hội phê duyệt trong thời gian tới đây.
Rất ít lao động muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu
Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, lần sửa đổi này tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do như: Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng ; dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt; nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn; bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...
Lao động lĩnh vực xây dựng cầu đường được xác định thuộc nhóm ngành nặng nhọc, độc hại
Theo Bộ LĐ-TB-XH, lần sửa đổi này nhận được nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên Dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 187 để xin ý kiến. Theo đó, phương án 1: Giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi; phương án 2: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.
Câu chuyện này đang khiến nhiều người lao động băn khoăn, lo lắng và có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người là lao động trực tiếp cho rằng, đa số người lao động trực tiếp (80 - 90%) ở độ tuổi 50 (đối với nữ) và 55 (đối với nam) đã bắt đầu cảm thấy ngại công việc hoặc làm không đạt hiệu quả cao. Nhiều chủ doanh nghiệp rất ngại sử dụng những đối tượng lao động ở độ tuổi này. Với những người lao động gián tiếp cũng mong muốn được nghỉ ngơi khi đủ tuổi nghỉ hưu. Họ cho rằng, chỉ có những người ở tuổi này mà có chức vụ lãnh đạo thì có thể mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Tạo bất bình đẳng trong xã hội
Việc kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng như nhiều vấn đề khác nhưng lại có rất nhiều ý kiến trái chiều trước kiến nghị này. Cụ thể, trong ngành giao thông vận tải (GTVT), đối với những người lao động trí óc, làm việc trên bàn giấy tại văn phòng thì việc tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe cũng như điều kiện lao động. Chính vì vậy, những người lao động theo hình thức này rất ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu bởi lẽ vừa giữ được thu nhập ổn định thêm vài năm và hơn hết là không cần tìm việc làm thêm sau khi đã nghỉ chế độ. Tuy nhiên, đối với người lao động, công nhân ngành GTVT thì việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có phù hợp hay không, đặc biệt là đối với lao động nữ?
Hiện nay, người lao động ngành GTVT rất đa dạng như công nhân xây lắp cầu đường, kỹ sư, thủy thủ, thuyền viên… Trong đó, lao động xây dựng cầu đường là lĩnh vực đặc trưng của ngành GTVT, được xác định là nghề nặng nhọc, độc hại, do vậy công nhân lao động nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp rất cao. Trên thế giới đã có các công trình nghiên cứu về sức khỏe công nhân xây dựng cầu đường. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ công nhân mắc các bệnh đường hô hấp là khá cao như bệnh viêm phế quản mãn tính, viêm họng, viêm amidal, hen phế quản, bụi phổi cao hơn hẳn các nhóm công nhân khác. Đặc biệt, lao động xây dựng cầu đường không chỉ bao gồm công nhân nam mà còn rất nhiều nữ công nhân. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu nữ công nhân có thể trụ lại chờ đến tuổi nghỉ hưu sau khi tăng tuổi lao động từ 02 - 5 năm trong môi trường làm việc độc hại như vậy không?
Đối với thủy thủ, thuyền viên, đây cũng là loại hình lao động đặc thù và khá phức tạp do môi trường lao động chịu ảnh hưởng sóng gió, bão tố, làm việc trong thời tiết khắc nghiệt của biển cả, không có ngày nghỉ trong suốt kỳ công tác từ 8 tháng đến 01 năm và phải đối mặt với rủi ro hàng hải. Thực tế đó đòi hỏi thủy thủ, thuyền viên phải có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố xảy ra. Chính vì vậy, nếu đội ngũ này ở độ tuổi 62 thì liệu họ còn đủ sức để gánh vác công việc nặng nhọc này không?
Ở góc nhìn xã hội học, TS. Trịnh Hòa Bình - chuyên gia nghiên cứu dư luận xã hội bày tỏ nghi ngại, nếu nội dung tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động được chấp thuận, nhiều khả năng sẽ làm phức tạp hơn tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Theo TS. Trịnh Hòa Bình, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có nhiều bất cập cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét lại.
TS. Trịnh Hòa Bình phân tích: “Thứ nhất, tiền lương tuyệt đối khi về hưu sẽ nhân với số thời gian công tác để chia ra thành tháng lương trung bình, từ đó sẽ nảy sinh những bất cập, thiếu công bằng. Cụ thể, nó sẽ đánh đồng hoặc xóa nhòa ranh giới giữa những người làm việc lâu năm với những người làm việc ngắn hạn. Thứ hai, thu nhập thực sự của người lao động vẫn đang rất khó khăn, khi đối diện với những thách thức chi tiêu từ đời sống, nay lại kéo dài thêm việc phục vụ của họ thì cũng nên xem xét. Thứ ba, những ngành nghề lao động trong môi trường độc hại sẽ phá hoại sức khỏe của người lao động rất lớn, khác với khu vực hành chính sự nghiệp hay khu vực các quan chức, những nhà quản lý, gọi nôm na là “cán bộ cao cấp”. Nếu như tăng tuổi nghỉ hưu “như nhau” đối với các nhóm ngành nghề này thì cũng bất cập”.
TS. Trình Hòa Bình lý giải thêm: Thực tế cần phải làm rõ câu hỏi “Những ai mới có nhu cầu kéo dài tuổi nghỉ hưu?”. Rõ ràng phần lớn sẽ rơi vào những người có công việc nhàn hạ, mang tính chất bàn giấy hay nhà quản lý. Một số ngành khác như lao động kết tinh cần phải có thời gian học tập, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, sự trải nghiệm như nghề giáo, nghề nghiên cứu khoa học, nghề viết lách… thì mới có thể về hưu vẫn làm thêm, nhưng không thể gọi đó là những trường hợp “nhàn hạ”.
Theo HẠ LIÊN (Tapchigiaothong.vn)