Thành tựu đáng chú ý nhất của Công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong năm 2016 có lẽ là việc Nhà máy A32 thuộc Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng thành công cho tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526. Theo nhận định, chiếc chiến đấu cơ trên sẽ phục vụ thêm được 8 - 9 năm nữa.
Kết quả này là bước đi vững chắc để Nhà máy A32 tiến tới đại tu, phục hồi khả năng bay cho toàn bộ phi đội Su-27SK/UBK, cũng như chuẩn bị chuyển sang tiêm kích Su-30MK2 hiện đại, giúp tiết kiệm một lượng cực lớn ngân sách quốc phòng cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 được sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng tại Nhà máy A32. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng
Trong năm 2016, Quân chủng PK-KQ còn tiếp nhận nhiều bộ khí tài tối tân do trong nước sản xuất như 3 đài radar RV-02 với nhiều tính năng cải tiến tốt hơn so với đài RV-01; hay máy hỏi MH-VN1 của Viện Kỹ thuật PK-KQ đã được đối tác Israel chọn làm thiết bị đủ điều kiện lắp trên tổ hợp tên lửa SPYDER.
Bên cạnh đó là chế tạo thành công máy trả lời MTL-VN2 trang bị cho trực thăng Mi-8 và cường kích Su-22M4, thiết bị mã mật 6110-VN2 cho tiêm kích đa năng Su-30MK2 và lắp đặt thử nghiệm hệ thống cho các tàu thuộc Quân chủng Hải quân. Đây là các thành phần thuộc hệ thống phân biệt địch - ta (IFF-VN).
(Những thông tin trên được cung cấp trong bài viết "Những sản phẩm từ trí tuệ người lính" đăng trên báo Quân đội nhân dân).
Radar do Viện Kỹ thuật PK-KQ thiết kế, chế tạo được ứng dụng hiệu quả vào nhiệm vụ quản lý vùng trời ở các đơn vị. Ảnh: Chí Công - Quân đội Nhân dân
Bài báo trên còn cho biết, bên cạnh việc tiếp tục thử nghiệm các loại radar mạng pha 3D thế hệ mới, chế tạo máy bay không người lái, hay nghiên cứu chế tạo nhiên liệu rắn cho tên lửa... thì kỳ vọng lớn nhất có lẽ là dự án cải tiến bom thông thường thành bom thông minh và thiết kế chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn sử dụng tên lửa hàng không R-13M.
Nếu thành công, sang năm 2017, Việt Nam sẽ có thêm những vũ khí lợi hại cả trong phòng thủ lẫn tấn công với chi phí rất rẻ so với mua sắm từ nước ngoài, do tận dụng được các trang bị có sẵn trong kho. Từ đó tạo tiền đề cho việc sản xuất các chủng loại mới hoàn toàn có tính năng kỹ chiến thuật cao cấp hơn.
Gói nâng cấp nhằm biến bom thường Mk 81/82 của Mỹ thành bom thông minh
Trên lĩnh vực đóng tàu, cuối quý III năm 2016, Tổng Công ty Ba Son đã tổ chức nghiệm thu cặp tàu tên lửa Molniya thứ ba (M5, M6) mang số hiệu 381, 382. Đây là hai chiếc cuối cùng thuộc loạt tàu tấn công nhanh Dự án 1241.8 được Việt Nam mua bản quyền lắp ráp trong nước.
Các nguồn tin từ phía Nga (cụ thể là Viện Thiết kế hàng hải trung ương Almaz và Nhà máy đóng tàu Vympel) còn cho biết, Việt Nam sẽ đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya 1241.8 nâng cấp với cấu hình vũ khí mạnh hơn.
Tàu tên lửa M5 và M6 trong buổi nghiệm thu tính năng. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng
Ngoài ra Tổng công ty Sông Thu trong tháng 9/2016 cũng bàn giao tàu tuần tra cỡ lớn 8005 cho Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Biển, giúp tăng cường đáng kể năng lực tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực thi pháp luật trên các vùng biển cũng như thềm lục địa; tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và quốc tế...
Sau khi hoàn thành dự án đóng tàu DN-2000, hy vọng rằng chương trình DN-4000 sẽ sớm được triển khai trong năm 2017.
Đăng nhận xét