Các lãnh đạo của hãng Apple, Ford và Goldman Sachs cho biết họ không ủng hộ sắc lệnh mà Tổng thống Trump đã ký hồi tuần trước cấm những người nhập cư từ 7 quốc gia có dân số phần lớn theo đạo Hồi vào Mỹ.
Ông Tim Cook, tổng giám đốc điều hành của hãng Apple. Ảnh: Reuters
Giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ, nơi tuyển dụng nhiều người nhập cư, đã lên tiếng phản đối sắc lệnh đầu tiên. Ông Tim Cook, tổng giám đốc điều hành của Apple, cho biết tập đoàn này không ủng hộ sắc lệnh nói trên. “Apple sẽ không tồn tại khi thiếu người nhập cư” – ông Cook khẳng định.
Các giám đốc điều hành tập đoàn thương mại điện tử như Amazon, eBay, Etsy cũng có động thái tương tự.
Trong khi đó, hãng công nghệ Google cho hay có kế hoạch quyên góp 4 triệu USD đến 4 tổ chức để hỗ trợ pháp lý và các vấn đề khác cho người nhập cư. Google lo ngại sắc lệnh của ông Trump sẽ gây tổn hại cho nhiều lao động hiện tại của hãng này và gia đình họ, đồng thời gây khó khăn hơn trong việc thuê lao động kỹ thuật có tay nghề cao bên ngoài nước Mỹ trong tương lai.
Một số công ty khác như hãng dược phẩm Merck & Co, Uber có chính sách giúp đỡ các lao động bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Starbucks cũng có kế hoạch thuê 10.000 người tị nạn trong 5 năm tiếp theo.
Phản ứng của giới doanh nghiệp Mỹ về sắc lệnh mới khá mạnh mẽ, nhanh chóng và cứng rắn. “Điều này chưa từng xảy ra trước đây” – ông Bill Klepper, giáo sư tại Trường Columbia Business ở TP New York, nhận định. Các doanh nghiệp có thể sẽ gặp rủi ro khi công khai lên tiếng phản đối sắc lệnh mới bởi ông Trump thường xuyên có thói quen công kích và chỉ trích các công ty trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, các chuyên gia quan hệ công chúng cho rằng giới doanh nghiệp không có sự lựa chọn khác, đặc biệt là khi lệnh cấm ảnh hưởng tiêu cực đến nhân viên hoặc khách hàng của họ.
Bất bình trước sắc lệnh nói trên, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto hôm 30-1 cho biết nước này sẽ chi khoảng 50 triệu USD để thuê luật sư cho những người di cư tại Mỹ đối mặt với lệnh trục xuất.
Số tiền này sẽ được chuyển đến các lãnh sự quán Mexico tại Mỹ và những chương trình bảo vệ quyền lợi của người dân Mexico. Trước đó, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho biết các nỗ lực thúc đẩy hoạt động lãnh sự tại Mỹ không nhằm cản trở việc thực thi luật pháp ở Mỹ mà chỉ để bảo vệ quyền của người dân Mexico thông qua tư vấn pháp lý, tuyên truyền thông tin và thuê luật sư nếu cần thiết.
Xuân Mai (Theo AP)
Đăng nhận xét