Nâng niu những chiếc đĩa cải lương xưa in hình “Con gà trống đỏ” của nhà sưu tầm Nguyễn Lê Hiếu, NSND Ngọc Giàu xúc động kể rằng thầy Năm Tú là bầu gánh và là người xây rạp hát cải lương đầu tiên ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông chủ trương làm để chơi chứ không phải để kinh doanh.
Ông chủ gánh hát nhiều sáng tạo
Sau ngày 15-3-1918’, ông Lê Văn Thận sang gánh hát cho ông Châu Văn Tú, gọi là gánh hát thầy Năm Tú Mỹ Tho, vở tuồng “Kim Vân Kiều” của Trương Duy Toản biểu diễn tại rạp Cinéma Théâtre - tức rạp thầy Năm Tú - đã được xem là đêm đầu tiên khai sinh ra nghệ thuật cải lương khi nó thoát thai từ đờn ca tài tử rồi ca ra bộ để hình thành bộ môn nghệ thuật này. Theo đó, thầy Năm Tú thời lập gánh hát đã sắm cho một chiếc ghe rất lớn, đào kép có thể ăn ở, tập tuồng ngay trong ghe.
Năm 1922, ông đưa gánh hát lên Sài Gòn biểu diễn tại Chợ Lớn. Ông là người có óc tiến bộ, sáng tạo ra kiểu giới thiệu đào kép bằng cách cho họ ra chào khán giả trước giờ biểu diễn hoặc sau suất hát, ông cho đào kép ăn bận thật đẹp ra chợ, ra chốn công cộng để bà con khán giả chiêm ngưỡng. Thế là đêm đến họ ùn ùn kéo đến xem hát.
Sau khi rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận nồng nhiệt, thầy Năm Tú đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi rạp hát, đồng thời quảng bá cải lương để bộ môn nghệ thuật này tiến xa hơn.
Khi đại diện hãng đĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, họ đã hài lòng trước cách tổ chức biểu diễn của ông. Chủ hãng đĩa đã đồng ý ký hợp đồng với thầy Năm Tú sản xuất đĩa hát cải lương. Lúc đó, để có thể cho dân chúng nghe đĩa một cách phổ biến, ông liên kết với các chủ sản xuất máy hát đĩa.
Để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên đĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Đây là loại đĩa hát tiếng Hoa và Việt. Dành cho người Hoa nghe thì ông làm đĩa nhạc Hoa hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương. Do đĩa có dung lượng thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 đĩa. Nghe thì phải canh hết đĩa rồi lại thay nên bà con nông dân thời đó trúng mùa vẫn thường nói vui khi hết đĩa “Con gà trống hết gáy rồi!” hoặc “Thay con gà khác đi!”.
“Nhờ có máy hát đĩa và đĩa con gà trống đỏ mà người dân khắp lục tỉnh thời đó thuộc làu làu những bài ca trong tích tuồng, cải lương nhanh chóng được lan truyền và hưng thịnh” - nhà báo lão thành Thiên Mộc Lan hồi tưởng.
Với đĩa hát con gà trống đỏ, ông thu âm gần như đầy đủ những tuồng tích của gánh hát. Soạn giả Yên Lang kể rằng thầy Năm Tú có quan điểm về nghệ danh của đào kép rất đơn giản. Kép hát, đào hát cũng là người sống trong giang hồ nên lấy quy củ giang hồ mà đặt tên nghệ danh. Thường để cái thứ trong gia đình trước cái tên như: Tám Danh, Ba Du, Năm Châu, Tư Sạng, Sáu Thoàng, Tư Long, Ba Được, Năm Cần Thơ... Vì thế, ông cũng tự đặt cho mình cái tên rất gần gũi là thầy Năm Tú. Và trên những đĩa hát con gà trống đỏ vẫn in đầy đủ tên nghệ danh của các đào kép thời đó.
Di sản quý của nghệ thuật cải lương
Theo nghiên cứu của cố GS-TS Trần Văn Khê, thầy Năm Tú còn được gọi là Pierre Tú vì ông có quốc tịch Pháp, có vợ là cô Tám Hảo (em ruột cô Năm Thoàn là đào hát của gánh hát thầy Năm Tú). Ông là người nhã nhặn, cũng là người Việt đầu tiên mua xe hơi. Sau mấy năm nhờ có rạp hát và bán đĩa “Con gà trống đỏ” thu nhập cao ngất, ông sinh tật ăn xài lớn. Vốn liếng bị hao hụt nên kinh doanh đĩa hát và rạp hát ngày càng sa sút, đến nỗi ông phải bán rạp hát cho người khác.
Mặc dầu thầy Năm Tú không phải là kép hát nhưng ông có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn đúng tính chuyên nghiệp và bán vé. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh. Ông đã tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ thể hiện tài nghệ và gầy dựng tên tuổi. Đĩa hát “Con gà trống đỏ” nào cũng khởi sự bằng câu “Alô! Bạn hát cải lương của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. Nhờ được thu âm với chất giọng mùi mẫn của cô Tư Sạng, cô Năm Cần Thơ mà các bà, các cô thính giả mê mẩn, mủi lòng. Thế là máy hát và đĩa hát bán chạy như tôm tươi. Sau mùa lúa thời đó, bà con đem tiền đến mua về để ngày Tết quây quần bên trà, bánh mà nghe đĩa hát “Con gà trống đỏ”.
Nhờ đĩa hát, dần dần người dân Mỹ Tho khơi mào cho những chuyện làm ăn, buôn bán; các thương lái đem đĩa hát, máy hát biếu nhau. Thương hiệu đĩa hát thầy Năm Tú thời đó trở nên rất nổi tiếng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều người Sài Gòn xem thầy Năm Tú như là một nhân vật đặc biệt, đến mức khi hỏi về vật dụng khác dính liền đến sở thích của ông, người ta thường hay nói: “Cái nón này chắc sắm từ thời thầy Năm Tú?”, “Sao nó quay chậm như đĩa hát thầy Năm Tú vậy ta?”...
Tổ sư về tiếp thị
Nhiều nhà chuyên môn trong đó có nhà báo lão thành Huỳnh Công Minh nhận xét thầy Năm Tú là tổ sư của ngành tiếp thị. Riêng cái việc ông có dụng ý bắt hãng đĩa Con gà trống phải trực tiếp quảng cáo cho gánh hát, nhờ đó ở đâu người dân cũng biết tiếng gánh hát thầy Năm Tú, cũng đủ cho thấy ông là bậc thầy về tiếp thị rồi!
Thanh Hiệp
Đăng nhận xét