Trong chớp mắt, thú rừng cạn kiệt, ngành chức năng cấm săn bắt trái phép động vật hoang dã, hàng loạt thợ săn trên núi giải nghệ...

Đánh liều với thiên nhiên

Vượt dốc, leo từng nấc thang lên núi Cấm. Chồn chân. Những áng mây ùa về che phủ cả một mảng rừng xanh rộng lớn. Để tìm người thợ săn Nguyễn Văn Vinh (sáu Vinh, 61 tuổi, ngụ vồ Thiên Tuế), chúng tôi phải băng rừng, vượt địa hình khá hiểm trở. Ngồi sau “quái xế” đến những đoạn dốc khúc khuỷu, cheo leo lên, xuống đột ngột mới gặp được nhân vật sáu Vinh.

Năm nay vừa bước qua khỏi cái tuổi lục tuần, nhưng nhìn sáu Vinh còn khỏe lắm. Ông kể, quê gốc ở dốc Nhà Bàng (Tịnh Biên). Trước đây, ông từng định cư dưới đồng bằng. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, sáu Vinh mới đánh liều một phen lên núi lập nghiệp từ năm 1975 cho tới nay. Lúc đó, đường sá trên núi còn trắc trở, người ta chỉ đi theo đường mòn hoặc vạch cây rừng mà đi. Ngày đầu đặt chân lên núi, vợ chồng sáu Vinh chọn một khu đất cách vồ Thiên Tuế khoảng 500 mét để định cư. “Lão ba Lưới (Trần Văn Y, thọ trên 102 tuổi) là hàng xóm với tui. Hồi mới lập nghiệp, tui chỉ có cái rựa, cái cuốc. Sáng sớm, khai phá đất rừng cho đến chiều tối. Ngày nào cũng vậy, ra sức làm quần quật mà cuộc sống vẫn thắt ngặt. Theo thời gian, tui khai phá được vài héc-ta đất rừng, trồng trọt cây ăn trái, chủ yếu là su, đậu que, mãng cầu, bơ, mít, măng, bán cho tiểu thương ở chợ Tà Đét và bạn hàng đường xa”- sáu Vinh bồi hồi nhớ lại. Thời bấy giờ, thú rừng rất nhiều, nhất là khỉ, heo rừng, rắn hổ mây, rắn hổ bướm, gà rừng... Ở chốn tĩnh mịt, không có cá để ăn, sáu Vinh mới dấn thân vào cái nghề thợ săn.

Hồi trước, sáu Vinh có “năng khiếu” sử dụng súng săn nên mỗi khi bóp cò là “bách trúng, bách thắng”. Từ đó, ông được mệnh danh là tay “cự phách” trong cái nghề “nhất phá sơn lâm”. Sáu Vinh tâm tình: “Sống ở cái nơi thâm u dễ bị sốt rừng. Ngoài ra, rắn độc ẩn núp khắp dưới tán thực bì hoặc trên cành cây, nếu sơ ý bị chúng cắn mà không kịp trở tay thì coi như toi mạng. Nhiều người mới lên núi chẳng được bao lâu thì ngay lập tức khăn gói trở xuống, vì quá khó khăn”.

T52-chuyenthosan-rung.jpg

Chạm trán với thú dữ

Theo sáu Vinh, ai vào nghề săn thú như gánh cái nghiệp, nhưng vì hoàn cảnh phải đeo. Nhiều khi gặp thú dữ, tay chân run bần bật. “Ông bà mình nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” thật thâm thúy. Đi săn gặp rắn to, có bề hoành bằng cây chuối rừng, dài 6-7mét mà ớn lạnh. Khi chạm trán với chúng, y như gần kề với cửa tử. Lúc này, phải bình tĩnh xử trí, đôi lúc phải “một mất một còn”.

Sáu Vinh nhớ như in: “Cái hôm tiết trời núi Cấm mát mẻ, có một con rắn dài 7 mét, bò vào nhà ông hai Hóa xơi một lượt 3 con chó mực mới sanh. Cả nhà hai Hóa chạy tán loạn để thoát thân, gọi tui thất thanh. Tui vác cây súng săn chạy lên, rồi nẻ vào đầu con rắn, nó giãy giụa, rồi chết tại chỗ. Con rắn đen trỉn, không biết loại rắn gì”. Nhắc đến loài rắn to ở núi Cấm, ông Nguyễn Văn Ta (tư Ta, 55 tuổi), nói: “9 tuổi, tui theo ông già lên núi sống tại suối Thanh Long. Sau này lớn lên, tui lập vườn trồng rẫy. Trong một lần đi săn, tui thấy con rắn nằm khoanh tròn trên tảng đá. Thấy tui, nó lao tới, tui leo lẹ lên cây cổ thụ, rồi nhắm bắn 7 phát đạn mới giết chết con rắn. Nó nặng đến 32 kg, dài 6 mét, đầu to bằng cái chén ăn cơm. Hồi trước, rắn to trên núi này nhiều lắm. Đi rừng, nếu gặp chúng không nhanh chân chạy thì chết như chơi”.

Lúc mới lên núi định cư, sáu Vinh nuôi 2 con chó phèn, rất tinh khôn. Nhờ 2 con phèn đánh hơi tốt nên sáu Vinh săn được heo rừng và mễn. Đây là những loài thú tinh khôn và khó săn bắt, chúng sống ẩn mình dưới tán cây rừng. “Mùa mưa, những con heo rừng cắn cây, cỏ gom lại thành từng ụ to. Mấy con chó của tui đánh hơi rất mạnh. Mỗi lần ngửi thấy mùi heo rừng là chúng rượt đuổi tới cùng, mình chỉ cần đón đầu là hạ được heo rừng ngay. Có lần, tui đối đầu với con heo rừng nặng khoảng 150kg, rất hung hãn. Loại heo lớn cỡ này, da cứng như đá, bắn khó thủng. Nếu bắn không ngay huyệt thì sẽ bị heo rừng phản lại rất nguy hiểm. Nhiều hôm, săn heo rừng ăn không hết phải mang xuống chợ Tà Đét đổi gạo đem lên núi”- sáu Vinh kể lại.

T52-chuyenthosan-tuongho.jpg

Cọp núi Cấm được đúc tượng thờ cúng trong dân gian

Ngày nay, đi qua vùng Bảy Núi, không còn nghe tiếng gáy của gà rừng nữa do nạn săn bắt quá mức. Năm Hải ở khu vực Latina nói rằng: “Xưa kia ở núi Cấm và núi Nam Qui, mỗi buổi sáng, gà rừng lội bầy bầy xuống kiếm ăn. Những con gà trống có tích trắng, lông đẹp, rất hung dữ. Còn bây giờ, môi trường sống của gà rừng đang bị thu hẹp nên chúng vào sâu trong rừng để tránh con người săn bắt.

Thỉnh thoảng vào mùa mưa, tui còn thấy gà rừng xuống nhà dân để kiếm ăn, nhưng rất hiếm”. Ngày nay, dưới chân núi Cấm có một số hộ dân đã nuôi và thuần thành công gà rừng Bảy Núi. Anh Bùi Trọng Khang (ngụ xã An Hảo, Tịnh Biên), ban đầu chỉ có 3 gà rừng, sau khi thuần hóa đã sở hữu bầy gà rừng “nguyên chủng” hàng chục con. Đây là bầy gà rừng đệ nhất miền Tây. Ngoài anh Khang, trên núi Cấm còn có ông năm Râu cũng là một tay chuyên thuần gà rừng để bán cho khách du lịch.

Theo Thành Chinh (TTMT)

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.