PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết các cơ quan chức năng đang hoàn tất thủ tục để bồi thường cho một trường hợp bị tai biến sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem ở tỉnh Phú Thọ. Đây là trường hợp đầu tiên được bồi thường sau khi Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Hỗ trợ rủi ro

Đánh giá chất lượng của vắc- xin, PGS-TS Trần Đắc Phu phân tích: Tất cả vắc-xin trước khi đưa ra sử dụng đều được kiểm nghiệm lại. Tuy nhiên, không có vắc-xin nào an toàn 100%. Tai biến trong tiêm chủng vẫn có những rủi ro dù tỉ lệ rất thấp.

Tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ em tại một trạm y tế xã ở tỉnh Bắc Giang

Tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ em tại một trạm y tế xã ở tỉnh Bắc Giang

Theo ông Phu, việc bồi thường là nhằm hỗ trợ phần nào cho gia đình trong trường hợp không may xảy ra khi tiêm vắc-xin. Trường hợp cụ thể của cháu bé ở tỉnh Phú Thọ bị tai biến sau tiêm chủng, mức bồi thường gồm: Chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, nhà nước bồi thường 100 triệu đồng bù đắp tổn thất về tinh thần...

TS-BS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cũng khẳng định trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, nếu xảy ra tai biến nặng hoặc gây chết người, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. “Các quy định và thủ tục giải quyết bồi thường được nêu rất rõ ràng. Vì vậy, cán bộ y tế phải có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định về chuyên môn trong tiêm chủng” - bà Hồng nhận xét.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cơ địa của trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, rất yếu, khó xác định mắc những bệnh tiềm ẩn nào. Ngay cả những bệnh thường gặp như viêm phổi, tim bẩm sinh… thì ở tuyến y tế cơ sở - đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nơi trang thiết bị cũng như nhân lực còn hạn chế - việc phát hiện cũng không đơn giản. Nhiều trường hợp tai biến tiêm chủng dù vắc-xin không phải là nguyên nhân trực tiếp vẫn được bồi thường bởi tác động vắc-xin có thể là yếu tố “kích thích” các bệnh lý nền tiềm ẩn mà cơ thể của trẻ không bộc lộ.

“Không ai mong muốn tai biến nhưng kể cả khi làm đúng quy trình, tiêm đúng thuốc thì vẫn có rủi ro. Do vậy, cần có nguồn quỹ để “bảo vệ” những người làm công tác dự phòng sức khỏe cho người dân, nhất là với đối tượng nhạy cảm như trẻ em” - ông Nguyễn Tiến Dũng đề xuất.

Nhiều mức độ bồi thường

Theo quy định hiện hành, với tai biến sau tiêm chủng, tùy từng mức độ di chứng mà có những mức bồi thường khác nhau. Cụ thể, tai biến mà để lại di chứng dẫn đến khuyết tật thì được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút. Trường hợp thiệt hại tính mạng, ngoài việc bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng, các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút thì còn được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở.

TS-BS Dương Thị Hồng cho biết khi xảy ra tai biến nặng, Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức điều tra và họp hội đồng tư vấn chuyên môn để đánh giá nguyên nhân chính xác. Hội đồng tư vấn chuyên môn tuyến tỉnh sẽ xác định các trường hợp được bồi thường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế liên quan đến tai biến sau tiêm chủng.

“Nếu cán bộ y tế tiêm chủng đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng chẳng may vẫn xảy ra tai biến thì họ hoàn toàn yên tâm, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại” - bà Hồng nhấn mạnh.

Về thủ tục yêu cầu bồi thường, người được tiêm chủng hoặc thân nhân sẽ làm đơn và gửi hồ sơ đến Sở Y tế. Hồ sơ gồm: Đơn yêu cầu xác định nguyên nhân gây tai biến và mức độ tổn thương; phiếu, sổ xác nhận tiêm chủng loại vắc-xin liên quan; giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); giấy chứng tử (trong trường hợp bị tử vong); các giấy tờ khác liên quan chứng minh tai biến hoặc thiệt hại khác (nếu có).

Hầu hết tai biến là trùng lặp ngẫu nhiên

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, năm 2016 đã ghi nhận một số ca phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng. Trong đó, 3 ca sau tiêm vắc-xin BCG (phòng lao), 5 ca sau tiêm viêm gan B sơ sinh, 11 ca sau tiêm vắc-xin Quinvaxem (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và vắc-xin bại liệt, một ca phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin sởi + Rubella.

Riêng số ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem cao hơn vắc-xin khác là do số mũi tiêm nhiều hơn (3 mũi khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi - phần lớn vắc-xin khác chỉ tiêm 1 hoặc 2 mũi). Hầu hết trường hợp bị tai biến là các phản ứng trùng lặp, ngẫu nhiên trên trẻ có cơ địa dị ứng quá mẫn cảm hoặc có bệnh bẩm sinh (tim bẩm sinh, dị ứng), bệnh mắc phải (viêm phổi). Chỉ một số ít trường hợp không rõ nguyên nhân.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.