Trước cử tọa gồm hàng ngàn cán bộ y tế hôm 12-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông thấy đất nước có “quá trời người ung thư” và đặt câu hỏi, đại ý: Việt Nam thành công trên nhiều lĩnh vực mà lại là đất nước của ung thư thì có nên suy nghĩ không?
Nỗi lo của người đứng đầu Chính phủ phản ánh đúng thực tế, tâm trạng xã hội và mối quan ngại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tổ chức này xếp Việt Nam vào nhóm 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư thế giới (tốp 1 có 50 nước), ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay, số trường hợp mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng nhanh - từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Đáng lo hơn khi có đến hơn 70.000 người chết vì ung thư mỗi năm, trung bình 205 người/ngày!
Tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư hồi tháng 10 năm ngoái ở Hà Nội, có 2 vấn đề rất lớn được các chuyên gia hàng đầu về ung bướu ở Việt Nam tập trung cảnh báo. Một là, tỉ lệ chữa khỏi ung thư của Việt Nam chỉ bằng gần 50% so với thế giới do có đến 70% bệnh nhân bị phát hiện ung thư khi đã ở giai đoạn muộn; hai là, ung thư phổi ở giới nữ đang tăng nhanh do hút thuốc lá thụ động.
Theo giới chuyên gia, phần lớn các trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường, 90%-95%, còn lại là do di truyền với 5%-10%. Môi trường ở đây không chỉ là vấn đề ô nhiễm mà còn bao gồm lối sống, sinh hoạt. Có thể kể ra các yếu tố tác động từ cao đến thấp, đó là ô nhiễm môi trường (không khí, nước, khói thuốc lá, bức xạ, tiếng ồn), chế độ ăn không hợp lý và an toàn, lao động nặng nhọc, dược phẩm - mỹ phẩm giả, nhiễm khuẩn, stress, béo phì, thiếu hoạt động thể chất…
Các thành phố lớn ở Việt Nam luôn tràn ngập khói bụi từ hàng chục triệu xe máy, ô tô ngược xuôi trên đường; nước thải công nghiệp được xả vô tội vạ vào sông, suối, biển, hồ khiến cho môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống ngày nay của người Việt đã thay đổi nhưng lại có xu hướng không tích cực, như ăn no, ăn ngon mà coi nhẹ dinh dưỡng; chế độ ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, ít rau quả; ăn sống, ăn nướng, ăn gỏi…, tất cả đã tiếp tay cho hung thần ung thư vây ráp, đe dọa.
Việc sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình bảo quản, chế biến rau củ quả, thịt cá như dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi, thúc chín trái cây bằng acetylene, giữ thịt tươi bằng urê… cũng góp phần rất lớn làm gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh ung thư. Có thể nói mà không sợ cường điệu rằng người Việt Nam đang bị mối hiểm họa ung thư đe dọa từng ngày, từ nhiều hướng do môi trường còn có quá nhiều tác nhân gây hại, từ yếu tố ngẫu nhiên đến sự vô tâm của nhiều người đối với đồng loại.
Mỗi ngày có hơn 200 bệnh nhân ung thư trút hơi thở cuối cùng, gấp hơn 8 lần so với tử vong do tai nạn giao thông! Liệu Bộ Y tế có thể giảm bớt nỗi đau và gánh nặng này trong nhiệm kỳ của mình bằng một chiến lược quốc gia tầm soát ung thư thật sự hiệu quả?
Cao Tuấn
Đăng nhận xét