Dù đã nhận lời mời dẫn chương trình cho một sự kiện trao giải nhưng gần đến ngày diễn ra, diễn viên Minh Hằng hốt hoảng gọi điện cho ban tổ chức: “Chết rồi, nhà tài trợ của chương trình là nhãn hàng T., trong khi tôi đang là đại sứ thương hiệu của nhãn hàng M. Tham gia với tư cách khách mời thì không sao nhưng ở vị trí MC, cứ phải nhắc đến tên nhãn hàng đối thủ thì chắc chắn là “có chuyện”. Với lý do từ chối mà Minh Hằng đưa ra, ban tổ chức chương trình không thể không cảm thông.

Chuyện khó nói

Trường hợp của Minh Hằng là minh chứng điển hình của việc thực hiện thỏa thuận về quyền lợi và nghĩa vụ trong vai trò đại sứ thương hiệu được ký kết giữa nghệ sĩ với đơn vị quảng cáo.

Dù là đại sứ thương hiệu S. nhưng Đông Nhi vẫn tham gia chương trình có thương hiệu đối thủ tài trợ và đội của cô giành ngôi vị quán quân Ảnh: LEON

Dù là đại sứ thương hiệu S. nhưng Đông Nhi vẫn tham gia chương trình có thương hiệu đối thủ tài trợ và đội của cô giành ngôi vị quán quân Ảnh: LEON

Những ngôi sao nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng sẽ được các thương hiệu lựa chọn để quảng bá cho nhãn hàng với vai trò đại sứ quảng cáo. Mức thù lao sẽ được trả phù hợp với vị trí “ngôi sao” của từng người. Tất nhiên, cái giá cát-sê mơ ước ấy luôn đi kèm với nghĩa vụ được quy định và chịu sự giám sát hết sức nghiêm ngặt của phía người sử dụng.

Nhiều nghệ sĩ tiết lộ ngoài việc các đại sứ phải giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, điều tối kỵ là họ không được “giúp sức” cho các nhãn hàng đối thủ cạnh tranh dưới mọi hình thức, dù cố ý hay vô tình. Vì vậy, không ít chuyện rắc rối đã xảy ra cho nghệ sĩ khi đảm nhận vai trò này.

Vốn là người kỹ tính nên ca sĩ Noo Phước Thịnh, đại sứ của nhãn hàng điện thoại O., luôn xuất hiện trước công chúng với chiếc điện thoại nhãn hiệu này. Anh ký hợp đồng quảng cáo với O. nhưng nhân viên của anh lại không cần thiết phải sử dụng điện thoại này.

Thế là, trong một lần làm lives tream chương trình biểu diễn của mình bằng điện thoại cá nhân của nhân viên, Noo Phước Thịnh đã một phen khổ sở vì những câu truy vấn của người đại diện nhãn hàng O., đại khái: Sao lại để hình ảnh điện thoại của nhãn hàng đối thủ xuất hiện trong lúc lives tream? Sao không livestream bằng điện thoại O.? Hậu quả là cả ê-kíp phải đi gỡ phần livestream xuống, cắt đoạn phim có hình ảnh của nhãn hàng điện thoại khác ngoài O. rồi mới được đưa lên mạng trở lại.

Khi còn làm đại sứ cho một nhãn hàng nước ngọt nổi tiếng, ca sĩ Kasim Hoàng Vũ luôn phải thận trọng trong các buổi tiệc tùng, tiếp khách vì sợ vô tình vi phạm hợp đồng với nhà quảng cáo. Mỗi lần ngồi vào bàn tiệc, thấy có lon nước ngọt “lạ” là Kasim Hoàng Vũ ý tứ dời nó qua chỗ xa hơn vì sợ có tấm ảnh nào đó được đưa ra mà trước mặt anh là sản phẩm của nhãn hàng đang cạnh tranh với nhãn hàng mình làm đại sứ. Diễn viên Bình Minh cũng có một giai đoạn luôn phải tránh xa các nhãn hàng bia khác ngoài S. khi xuất hiện trước công chúng. Bởi lẽ, anh đang là đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng bia S.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà phải rời ghế nóng “Giọng hát Việt” mùa thứ hai khi nhãn hàng tài trợ chương trình này cùng ngành hàng với thương hiệu mà cô đang làm đại sứ. Vi phạm hợp đồng là điều không ai muốn bởi tiền bồi thường luôn gấp nhiều lần khoản thù lao nhận được.

Một trong những chiến lược quảng bá của các nhãn hàng hiện nay là tổ chức những chuyến lưu diễn xuyên Việt nhằm tạo hiệu ứng truyền thông, sức lan tỏa rộng rãi của sản phẩm đến số đông người tiêu dùng. Những buổi diễn như vậy phải có gương mặt đại sứ của nhãn hàng làm hình ảnh “đinh” của chương trình, bên cạnh dàn sao ăn khách được mời để thu hút người xem. Rất khó cho đơn vị thực hiện chương trình biểu diễn khi đụng phải nghệ sĩ đại sứ của các thương hiệu cạnh tranh. Bản thân các nghệ sĩ được mời cũng khó xử.

“Với mức thù lao hấp dẫn, nhiều khi từ chối sô cũng rất tiếc nhưng biết làm sao được, khi mình đã là đại sứ của thương hiệu khác” - một ngôi sao đang trong vai trò đại sứ của một nhãn hàng tâm tư.

Đó là lý do các đêm diễn của nhãn hàng nước ngọt C. sẽ thiếu vắng những ca sĩ đại sứ của nhãn hàng P. Tương tự, tour diễn của nhãn hàng xe máy H. sẽ không có nghệ sĩ đại sứ của nhãn hàng xe máy Y. hay đêm diễn của nhãn hàng điện thoại O. sẽ không có nghệ sĩ là đại sứ của nhãn hàng S. góp mặt…

“Làm màu” là chính

Ngoài những trường hợp ràng buộc khá nan giải như kể trên, người trong giới cho rằng nhiều câu chuyện khác là do nghệ sĩ cố tình đẩy lên nhằm “làm màu”. “Được chọn làm đại sứ một thương hiệu nào đó đồng nghĩa nghệ sĩ đó được công nhận thành đạt trong nghề, có lượng công chúng ái mộ nhất định. Vì vậy, đôi khi nghệ sĩ quan trọng hóa vấn đề này để chứng tỏ mình có tầm quan trọng với thương hiệu mà họ đang đại diện” - một chuyên gia quảng cáo nhìn nhận.

Một chuyên gia quảng cáo khác cho rằng việc sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm thường mang lại hiệu ứng tốt khi kích thích người dùng mua hàng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa sẽ trì hoãn tất cả hoạt động nghệ thuật khác của nghệ sĩ khi mục đích cuối cùng của các thương hiệu là hướng đến công chúng.

Khi Đông Nhi, gương mặt đại sứ mới của điện thoại S., ngồi ghế nóng ở một chương trình truyền hình do nhãn hàng cạnh tranh tài trợ, không ít người cho rằng đội của cô khó mà chiến thắng vì ca sĩ này là đại sứ của nhãn hàng đối thủ. Nhưng thực tế, ngôi vị quán quân của chương trình đã thuộc về thí sinh của đội Đông Nhi.

Mỹ Tâm quảng cáo cho điện thoại H. không có nghĩa là cô không góp mặt trong các chương trình có nhãn hàng cạnh tranh tài trợ. Đó cũng là cách thức của Trấn Thành, Trường Giang, Hồ Ngọc Hà, Ngô Kiến Huy… khi mỗi người đều là đại sứ của một nhãn hàng nhưng sự xuất hiện của họ phủ sóng ở nhiều chương trình có sự đồng hành của nhãn hàng khác, thậm chí là đối thủ.

Tính đến nay, không khó để kể ra vài nhãn hàng thường xuyên đầu tư tài chính cho chiến dịch quảng bá thương hiệu với mục đích tăng độ lan tỏa đến người tiêu dùng. Ngoài việc thực hiện các đoạn phim ngắn (TVC) quảng cáo, các bài viết trên những phương tiện truyền thông gắn với nghệ sĩ là gương mặt đại sứ, vài nhãn hàng tham gia tài trợ cho các lễ hội, chương trình, giải thưởng... với quyền lợi được hưởng là được đứng tên tài trợ cho chương trình với mong muốn thông qua chương trình có số đông công chúng quan tâm, nhãn hàng của họ sẽ được gắn kết, lan tỏa rộng rãi đến người tiêu dùng.

Thế nhưng, vì quyền lợi cạnh tranh, nhiều nhãn hàng chọn phương thức quảng bá kiểu vùi dập đối thủ để mình tỏa sáng. Nhiều đại sứ rơi vào thế khó xử khi nhãn hàng của mình cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều người thiếu bản lĩnh, vốn có ác cảm cá nhân với nhãn hàng đối thủ và vì khoản thù lao nặng tay đôi khi không dễ dàng chọn làm người đứng ngoài cuộc.

Những đại sứ cấp thấp hơn trong các chiến dịch quảng cáo là những gương mặt được chọn để quảng bá cho sản phẩm thông qua các bài phỏng vấn được đăng tải, theo hình thức quảng cáo trên báo. Những bài phỏng vấn được đăng tải này không khác gì những bài phỏng vấn thường xuất hiện trên mặt báo. Tuy nhiên, tinh ý sẽ nhận ra những ngôi sao này vài lần nhắc đến một nhãn hàng nào đó, mà theo lời của họ là “thường sử dụng vì lợi ích, công năng” đặc biệt gì đấy của nhãn hàng. Nhiều “fan” cứ tin răm rắp vì đó là sản phẩm mà thần tượng của họ đang sử dụng. Hình thức quảng cáo này thường không có thù lao cao. Dẫu vậy, người được chọn cũng phải có sức ảnh hưởng nhất định.

Thùy Trang

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.