Chân dung một hoàng đế triều Trần
Trần Minh Tông tên thật là Trần Mạnh, còn có tên khác là Trần Chiếu, ngoài ra còn có các tên là Trần Anh, Trần Thánh Sinh. Vua sinh ngày 21 tháng 8 năm Canh Tý (1300), là con thứ 4 của Trần Anh Tông, thân mẫu là hoàng phi Huy Tư họ Trần (không rõ tên), bà là con gái của Bảo Nghĩa Đại vương Trần Bình Trọng.
Vua Trần Minh Tông.
Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (1314) Trần Minh Tông lên ngôi hoàng đế, xưng là Nhân hoàng, quần thân dâng tôn hiệu là "Thể thiên sùng hóa khâm minh duệ hiếu hoàng đế".
Về niên hiệu, trong thời gian trị vì, Trần Minh Tông đã đặt hai niên hiệu là: Đại Khánh (1314-1323) và Khai Thái (1324-1329); ở trên ngai vàng tổng cộng được 15 năm.
Ông làm vua đến tháng 2 năm Kỷ Tị (1329) thì nhường ngôi cho con để lên làm Thái thượng hoàng trong 28 năm (1329-1357), đến ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), ông mất tại cung Bảo Nguyên, thọ 57 tuổi. Triều đình đặt thụy hiệu là Chương nghiêu văn triết hoàng đế.
Đánh giá về ông, trừ việc chê trách nghe lời gièm pha mà giết oan bố vợ là Trần Quốc Chẩn, các sách sử đều có những dòng ca ngợi Trần Minh Tông.
Trong sách Việt giám thông khảo tổng luận của sử thần triều Hậu Lê là Lê Tung có viết: "Minh Tông tính trời khiêm hòa, nhận ngôi của Anh Tông nhượng cho, để tâm vào thú hàn mặc, sính bút ở tập Thủy vân, có thơ khuyên người hiền, có bài răn uống rượu, dường như cũng đáng khen.
Song quan chế có phần nhũng tạp, hình phạt nhiều việc oan uổng; nhẹ dạ tin Khắc Chung là kẻ gian, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, há chẳng phải là vết xấu của người thông minh ư?".
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi lại một số lời bình của các sử gia triều Hậu Lê như sau: "Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính.
Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên [với họ hàng nhà vua] đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ [Trần Thủ Độ], Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh Vương Trần Tung [con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu].
Lại các tên của chú bác, cô cậu, khi nói đến vẫn kiêng cả. [Vua] có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung phi. Chỉ vì ngài có tấm lòng ấy, nên đã có chính tích ấy… Cái đức của Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, cũng còn do sức dạy bảo của vua cha" (Ngô Sĩ Liên).
"Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo.
Vua nói: "Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?". Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ.
Vua nói: "Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam , Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường thoát thân thì sinh loạn ngay". Điều đáng tiếc là nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc phụ thượng tể, đó là điểm kém thông minh vậy" (Phan Phu Tiên ).
Sử thần Ngô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án viết rằng: "Vua biết sửa sang chính trị, tiến đến văn minh, làm sáng tỏ công nghiệp của tiền nhân; có lòng trung hậu, mở đường lối cho con cháu theo; duy chỉ tiếc rằng không xét rõ sự gian của Khắc Chung đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đó là kém sáng suốt".
Còn sách Đại Việt sử ký tiền biên thì bình rằng: "Vua lấy văn minh sửa sang chính trị, làm rạng rỡ công lao người trước, giữ lòng trung hậu, để điều yêu kính cho con cháu noi theo, giữ yên bên trong, vỗ về bên ngoài, kỷ cương đủ đầy".
Giấc mộng lạ của đế vương
Tương truyền có một năm, Trần Minh Tông bỗng dưng bị bệnh đau mắt, các ngự y dùng mọi phương thuốc để chạy chữa nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Một đêm nọ, nhà vua ngủ mơ, trong giấc mộng Ngài thấy có một vị cao tăng tự xưng là Ông Mộng đến xin chữa bệnh đau mắt; khi thức dậy, quả nhiên mắt vua đã khỏi.
Câu chuyện kỳ lạ này không thấy ghi trong chính sử nhưng dã sử và một số thư tịch khảo cứu viết bằng Hán Nôm có ghi lại. Trong sách Hải Dương phong vật chí tóm lược như sau: "Chùa Quang Khánh ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành có một vị sư gọi là Ông Mộng, tu luyện đắc đạo, pháp thuật tinh thông.
Vua Trần Minh Tông bị khổ về chứng đau mắt, nằm mộng thấy có một nhà sư đến chữa, tự xưng là Ông Mộng. Khi tỉnh dậy, không cần dùng đến thuốc mà mắt tự khỏi, bèn sai người đi tìm hỏi khắp nơi, đến chùa tìm được nhà sư, sắc phong làm Từ Giác Quốc sư".
Trong Hải Dương phong vật khúc có viết tóm lược chuyện này bằng mấy câu thơ như sau:
Nọ Ông Mộng già lam tu luyện,
Vì Minh Tông ứng hiện lai y.
Trần triều phong sắc Quốc sư,
Thuở triều Hồng Đức đôi thơ biển vàng.
Trong đoạn thơ trên, phần cuối có nhắc đến niên hiệu Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông. Chuyện xảy ra sao đời Trần, vì sao lại có liên quan gì đến một ông vua thời Hậu Lê sống cách đó hơn 100 năm?. Sự thể như sau:
Theo sách Đồng Khánh dư địa chí, chùa Quang Khánh nằm ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành do thiền sư Huệ Nhẫn khởi dựng từ thời Trần. Ông Mộng chính là tên thường gọi của nhà sư Huệ Nhẫn; vì là người sáng lập ra chùa nên Ngài được tôn làm sư tổ của chùa.
Ngôi chùa này nay thuộc thôn Dưỡng Mông, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đời Hậu Lê, có lần Lê Thánh Tông đến thăm cảnh chùa, vua có làm hai bài thơ rồi sai người đem khắc vào biển sơn son thiếp vàng đem treo trước cửa tiền đường của chùa. Một bài bằng chữ Hán theo thể Đường luật, một bài bằng chữ Nôm.
Bài 1:
Kê điền đống vũ bán đồi khuynh.
Tát quải huề dư phỏng hóa thành.
Đại giác hải trung quân dị độ,
Vô cùng môn lý ngã nan hành.
Ngũ viên trạm trạm nguyên phi sắc,
Lục độ trừng trừng diệc hữu tình.
Mãnh tỉnh tối phi đê thủ khác,
Bàng nhân thận vật thuyết tam sinh.
Nghĩa là:
Nửa chùa nghiêng đổ cảnh kê điền,
Cõi Phật vì đâu dễ biến thiên.
Đại giác biển sâu người dễ vượt,
Ta nào qua khỏi cửa vô biên.
Năm tròn lặng lẽ nguyên không sắc,
Sáu độ lâng lâng cũng hữu tình.
Tỉnh ngộ há rằng tay khách kém,
Xin người khoan hãy nói tam sinh.
(Bản dịch của Nguyễn Thị Lâm)
Bài 2:
Dắng dỏi chào ai tiếng pháp chung,
Ngang đây thoắt lộ chạnh bên dòng.
Trừng thanh lẻo lẻo trần hiêu cách,
Gác thẳm làu làu ngọc giá đông.
Sức nức đưa hoa, hương mượn gió,
Líu lo chào khách, vẹt thay đồng.
Nhủ đoàn tự đắc ngao du đấy,
Cho biết cơ mầu uống chẳng vòng.
Nội dung bài thơ thứ hai còn được khắc trên bia đá, hiện tại chùa vẫn còn tấm bia này với nhan đề "Ngự đề Quang Khánh tự" (Nhà vua đề vịnh chùa Quang Khánh).
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Đại Việt sử ký tiền biên
- Việt sử tiêu án
- Hải Dương phong vật chí
Đăng nhận xét