Chiều 3-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Nhiều áp lực
Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh điện năm 2016, Tổng Giám đốc EVN, ông Đặng Hoàng An, cho biết tập đoàn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, vượt kế hoạch được giao.
Cụ thể, điện sản xuất và mua đạt 176,99 tỉ KWh, tăng gần 11%; điện thương phẩm 159,45 tỉ KWh, tăng 11% so với năm 2015 và vượt so với kế hoạch. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 264.680 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm 2015. Công ty mẹ - EVN và 9 tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch. Năm 2017, tập đoàn đặt mục tiêu đạt sản lượng điện sản xuất và mua là 197,2 tỉ KWh, điện thương phẩm 177,59 tỉ KWh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Ảnh: TUẤN NGỌC
Theo ông Đặng Hoàng An, việc bảo đảm nhu cầu cấp điện cho năm 2017 của EVN có một số thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Đó là sản lượng điện sản xuất của EVN chỉ chiếm 43,5% nên việc bảo đảm cung ứng điện phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN. Các vấn đề liên quan đến chi phí đầu vào của sản xuất giá điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện như biến động tỉ giá, giá than, giá khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ ngày 24-12-2016 làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỉ đồng.
Chú ý vấn đề môi trường
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành điện cần bảo đảm nguồn điện của quốc gia được vận hành ổn định trong trung hạn, dài hạn, nâng cao năng lực của ngành điện.
“Năm qua, cả nước thành lập trên 110.000 doanh nghiệp mới với số vốn tăng 40%, tương ứng 1 triệu tỉ đồng. Không ngành nào không sử dụng điện để phát triển cả, từ nuôi gà đẻ trứng, trồng rau xanh. Vì vậy, tiêu thụ điện năng sẽ nhiều hơn” - Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở ngành điện về việc có dự phòng công suất nhưng không đồng đều, có những nơi quá thấp, nhất là ở miền Nam. Do đó, năm 2017-2019 có nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu, cần nhận thức ngay để có biện pháp. Một số dự án điện miền Nam ngoài EVN có thể không kịp tiến độ. EVN cần chia sẻ, thấu hiểu khó khăn này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá năng lực cạnh tranh nước ta còn thấp, trong đó chỉ số tiếp cận điện năng vẫn đứng thứ 6 trong khối ASEAN, tức là đứng ở tốp dưới so với các nước trong khối. “Cần tích cực hơn nữa cải thiện chỉ tiêu này. Đang phấn đấu môi trường cạnh tranh Việt Nam là ASEAN-4. Cần quyết liệt lên, nhất là ngành điện, để tiếp cận điện năng sao cho tốt hơn” - Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần chú ý vấn đề môi trường. Không sản xuất điện bằng mọi giá vì sẽ gây ảnh hưởng đời sống nhân dân ở những vùng có nhà máy điện. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng chất lượng thấp, gây thất thoát. Một số dự án ảnh hưởng môi trường sống nghiêm trọng. Đã để xảy ra cuộc biểu tình của người dân kéo dài 5-6 km ở Bình Thuận. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống.
Về điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội nhất trí cho dừng dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sau khi quyết định ngừng triển khai các dự án liên quan, cần sắp xếp nhân sự đúng mức, sử dụng cơ sở vật chất có hiệu quả, ngành điện không được phép để hoang hóa và hư hại cơ sở vật chất. Đặc biệt, cần tính toán để bù đắp nguồn điện khi không có nguồn điện hạt nhân như dự kiến.
Kiến nghị phê duyệt khung giá bán lẻ
EVN kiến nghị phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017-2020, quyết định tăng vốn điều lệ của EVN lên 205.000 tỉ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng tình với những kiến nghị của EVN. Về việc ưu tiên nguồn vốn ODA, các nguồn vốn ưu đãi nước ngoài cho các dự án của EVN và các đơn vị thành viên, Thủ tướng cho biết sẽ cho trình theo hướng bảo lãnh để có vốn.
Phương Nhung
Đăng nhận xét