Chán việc lừa bán tháp Eiffel và lấy lòng “bố già” Al Capone, năm 1930, Lustig quay sang hợp tác với một nhà hóa học ở bang Nebraska tên là Tom Shaw để bắt đầu một chiến dịch làm tiền giả. Bọn chúng sử dụng các khuôn đúc, giấy in và mực để làm bạc giả. 

Chúng thiết lập một hệ thống phân phối tinh vi để tiêu thụ mỗi tháng 100.000 USD, sử dụng những người mà chính bản thân họ cũng không biết họ đang giao dịch bằng tiền giả.

Cuối năm đó, nạn tiền giả lan tràn khắp nước Mỹ. Cơ quan mật vụ tóm cổ được cảnh sát trưởng Texas- người trước đó đã từng là nạn nhân của Lustig- với tội danh tiêu thụ tiền giả ở bang New Orleans. 

Viên sĩ quan cảnh sát quá tức giận vì Lustig đã đưa cho ông ta tiền giả nên thành khẩn khai báo mọi chuyện. Nhưng điều đó cũng không giúp cho ông thoát khỏi cảnh tù tội.

Thời gian trôi qua, thêm các đồng tiền giả với tổng trị giá hàng triệu USD xuất hiện ở các ngân hàng và trường đua. Cơ quan mật vụ cố gắng truy lùng dấu vết của Lustig. Họ xác định những tờ bạc giả này là “tiền của Lustig” và lo ngại rằng chúng có thể gây lũng đoạn hệ thống tiền tệ. 

Sau đó, bạn gái của Lustig, Billy May, phát hiện ra hắn đang đi lại với nhân tình của Tom Shaw. Vì ghen tuông, cô ta gọi điện thoại nặc danh đến cảnh sát và thông báo cho họ biết Lustig đang ở New York.

Kẻ lừa đảo tài ba nhất thế giới - Kỳ cuối: Vào tù ra tội - Ảnh 1.

Tiền giả do Viktor Lustig sản xuất.

Vào một đêm chủ nhật tháng 5/1935, Viktor Lustig đi lang thang dọc theo đại lộ Broadway ở khu vực phía tây thành phố New York. Ban đầu, các nhân viên đặc vụ không dám quả quyết đó là hắn. 

Họ đã lần theo dấu vết của hắn trong suốt 7 tháng ròng, cố công tìm hiểu về kẻ gian manh và bí ẩn này, nhưng bộ ria mới mọc của hắn đã đánh lạc hướng họ trong giây lát. Ngay khi hắn dựng cái cổ nhung của chiếc áo khoác Chesterfield và rảo bước, các nhân viên đặc vụ ập đến.

Đứng giữa vòng vây, Lustig nhếch mép cười và bình tĩnh trao chiếc va li của hắn. “Lịch thiệp” là từ mà một trong các nhân viên đặc vụ dùng để miêu tả hắn. 

Các nhân viên đặc vụ tin rằng, chiếc va li của hắn đựng đầy những tờ giấy bạc vẫn còn mới toanh, hay có lẽ là những đồ nghề mà Lustig sử dụng trong việc in tiền giả. 

Nhưng tất cả những gì họ tìm thấy là những bộ quần áo đắt tiền. Sau cùng, họ rút chiếc ví ra khỏi áo khoác của hắn và tìm thấy một chiếc chìa khóa. Họ cố gắng tra hỏi để buộc Lustig phải khai ra chiếc chìa khóa đó dùng để làm gì, nhưng Bá tước chỉ nhún vai và lắc đầu. 

Chiếc chìa khóa dẫn các đặc vụ đến ga tàu điện ngầm ở quảng trường Thời đại, nơi nó được dùng để mở một cánh tủ bụi bặm. Bên trong cánh tủ, các nhân viên đặc vụ tìm thấy 51.000 USD tiền giả và cả những khuôn đúc tiền giả.

Kẻ lừa đảo tài ba nhất thế giới - Kỳ cuối: Vào tù ra tội - Ảnh 2.

Nhà tù liên bang ở New York.

Bất chấp bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan đến tàng trữ tiền giả và khuôn đúc tiền, Viktor Lustig chưa bao giờ bị cáo buộc tội lừa đảo. 

Hắn bị giam ở Nhà tù liên bang ở New York và dự kiến sẽ ra hầu tòa vào ngày 2/9/1935. Trong khi chờ đợi ngày ra tòa, Lustig khoác lác rằng không nhà tù nào có thể giữ được bước chân của hắn.

Vào hôm trước khi phiên tòa xét xử Lustig dự kiến bắt đầu, mặc trên người bộ quần áo tù nhân và đi đôi dép lê, hắn dùng khăn trải giường để tết thành một sợi dây và thoát ra ngoài nhà tù liên bang qua cửa sổ. 

Giả vờ là công nhân lau cửa sổ, hắn cẩn thận lau chùi các cửa sổ trong quá trình trượt xuống phía dưới chân tường của nhà tù. Hàng chục người đi qua trông thấy cảnh đó và hiển nhiên không một ai tỏ ý nghi ngờ rằng người treo lơ lửng và đang mải miết lau bụi bẩn cửa sổ trên kia lại là tên tù vượt ngục.

 Còn sau đó, các nhân viên trại giam hết sức sửng sốt khi cánh cửa buồng giam trên tầng ba được mở, căn phòng trống rỗng và Lustig đã biến mất tự lúc nào.

Lustig bị bắt giữ sau đó một tháng ở Pittsburgh. Rốt cuộc, hắn đã phải thú nhận mọi tội lỗi đã phạm phải trước đó. Hắn bị kết án 20 năm tù (15 năm tù vì tội làm tiền giả cộng thêm 5 năm vì tội trốn tù) và thụ án ở nhà tù Alcatraz. 

Ngày 31/8/1949, tờ Thời báo New York đưa tin Emil Lustig, em trai của Viktor Lustig, báo cho một quan tòa ở Camden, New jersey, rằng Lustig đã qua đời ở Alcatraz hai năm trước đó vì bệnh viêm phổi.

Lustig được mệnh danh là tên tội phạm “vĩ đại” nhất mọi thời đại, một bậc thầy về nghệ thuật lừa đảo sở hữu tới 45 cái tên giả. Chỉ riêng tại Mỹ, Viktor Lustig đã bị bắt 50 lần, nhưng lần nào y cũng được thả do nhà chức trách không có đủ bằng chứng để kết tội hắn.

Vậy là cuộc đời của kẻ lừa đảo vĩ đại nhất hành tinh này là những chuỗi ngày ra vào tù như cơm bữa. Và cuối cùng, hắn đã biến mất khỏi thế gian mà không một ai hay biết.

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.